TPHCM và tỉnh Bắc Kạn ký kết hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2020

(SGGPO).- Chiều nay, 31-7, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị sơ kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2008-2014 giữa TPHCM và tỉnh Bắc Kạn.
TPHCM và tỉnh Bắc Kạn ký kết hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2020

(SGGPO).- Chiều nay, 31-7, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị sơ kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2008-2014 giữa TPHCM và tỉnh Bắc Kạn.
 
Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Văn Thưởng; Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm và các đồng chí lãnh đạo một số sở ngành, tổng công ty của TPHCM đã tiếp và làm việc với đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Hà Văn Khoát, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu.

Lãnh đạo TPHCM và tỉnh Bắc Kạn ký kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2020. Ảnh: Thanh Vũ

Lãnh đạo TPHCM và tỉnh Bắc Kạn ký kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2020. Ảnh: Thanh Vũ

Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, qua gần 7 năm triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, nhất là ở các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế và các chương trình an sinh xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.
 
Trong đó, việc hợp tác xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến gỗ Sahabak với tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng, doanh thu tăng năm sau cao hơn năm trước (2014 dự kiến đạt 56 tỷ đồng), giải quyết hơn 300 việc làm cho người lao động tại địa phương. Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã tặng tỉnh 45 con bò giống chất lượng cao (trị giá khoảng 700 triệu đồng) và giống ngô cao sản hỗ trợ nông dân tỉnh; hỗ trợ và thực hiện trao đổi thương mại, dịch vụ các sản phẩm nông nghiệp tạo công ăn việc làm cho người dân; hỗ trợ áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương.
 
Ở lĩnh vực du lịch, hai bên đã phối hợp khai thác và mở các tuyến du lịch quan trọng như khai thác các điểm du lịch ở Na Rì, Ngân Sơn và đặc biệt là du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Ba Bể.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, TPHCM đã hỗ trợ 5,2 tỷ đồng xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Y tế thị xã Bắc Kạn góp phần chăm sóc sức khỏe cho người dân; hỗ trợ huyện Na Rì 5 tỷ đồng xây dựng các trạm y tế xã; xây dựng và đưa vào sử dụng Nhà Văn hóa truyền thống huyện Na Rì (tổng kinh phí 4 tỷ đồng) đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân…
“Tỉnh Bắc Kạn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng luôn nhận được sự giúp đỡ, hợp tác của các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là TPHCM. Từ sự hỗ trợ đó đã góp phần phát triển kinh tế tỉnh, cải thiện dần đời sống đồng bào nghèo trong tỉnh”- đồng chí Hà Văn Khoát, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn khẳng định. Đồng chí bày tỏ mong muốn lãnh đạo TPHCM tiếp tục tác động hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp TPHCM đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Bắc Kạn trên các lĩnh vực. Riêng tỉnh cũng sẽ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư kinh doanh có hiệu quả nhất.

Đánh giá cao những kết quả đạt được, tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải khẳng định chương trình hợp tác giữa TPHCM và Bắc Kạn luôn được lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền hai địa phương quan tâm, chỉ đạo, không ngừng thắt chặt và thúc đẩy theo hướng chú trọng tính hiệu quả thông qua từng dự án hợp tác cụ thể của các doanh nghiệp, nhà đầu tư của TPHCM. TP luôn khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có trụ sở tại TPHCM đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh tại tỉnh Bắc Kạn nhằm phát huy lợi thế của tỉnh nhà.
 
Tại hội nghị, hai bên đã ký kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giai đoạn 2014-2020 giữa TPHCM với tỉnh Bắc Kạn, với 8 nội dung chủ yếu. Trong đó hai bên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch để giúp ngành du lịch Bắc Kạn phát triển. Hợp tác khai thác tiềm năng du lịch gắn liền với thế mạnh của từng địa phương. Phối hợp kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án tại Bắc Kạn theo các hình thức BT, BOT, liên doanh hoặc các hình thức khác do nhà đầu tư tự chọn. Xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai địa phương tham gia hợp tác, trao đổi, giao thương hàng hóa ở các mặt hàng có thế mạnh.

Phối hợp kêu gọi, vận động doanh nghiệp TPHCM đến đầu tư kinh doanh các lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, công nghiệp chế biến nông lâm sản, kết hợp tiêu thụ sản phẩm, đặc sản có thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn. Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao năng suất sản phẩm hàng hóa chủ lực của Bắc Kạn.

Hồng Hiệp
 

Tin cùng chuyên mục