TPHCM: Vẫn còn gian nan chống ngập

Chiều 13-10, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi giám sát tình hình thực chương trình chống ngập trên địa bàn TP.

(SGGPO).- Chiều 13-10, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi giám sát tình hình thực chương trình chống ngập trên địa bàn TP.

Theo Trung tâm chống ngập nước, năm 2011 có 58 điểm ngập, đã xóa giảm ngập được 47 /58 điểm ngập (cuối năm 2013). Đặc biệt, vùng trung tâm (mục tiêu quan trọng của Chương trình đột phá) đã  cơ bản giảm ngập.

Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện 21 trận mưa gây ngập, tổng số điểm ngập là 50 điểm (11 điểm ngập hiện hữu, 10 điểm ảnh hưởng thi công lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm, 29 điểm ngập vượt tần suất). Nguyên nhân gây ngập, vừa qua, lượng nước vượt tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay.

Các điểm ngập còn lại do hệ thống cống thoát nước đầu tư từ lâu, kích thước nhỏ không đáp ứng được những cơn mưa có vũ lượng vượt tần suất theo thiết kế. Tình trạng người dân xả rác, lấp bít miệng thu nước vẫn còn diễn ra phổ biến, hạn chế nước thu về hố ga thoát nước. Ngập do triều cường đã xuất hiện 19 lần gây ngập, trong đó có 6 lần đỉnh triều xuất hiện cao hơn 1.5m, gây ngập 8 tuyến đường. 

Để thực hiện chương trình giảm ngập, Trung tâm chống ngập nước TP, đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung. Trong đó, nhằm đảm bảo mục tiêu tập trung xóa giảm ngập lưu vực Trung tâm thành phố (108 km²), Trung tâm chống ngập đẩy mạnh công tác quản lý duy tu, nạo vét kênh rạch, cống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm. Tổ chức đấu nối, mở hướng thoát mới, khắc phục các khiếm khuyết hệ thống thoát nước để tăng cường khả năng tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước hiện hữu, đồng thời triển khai hoàn thành 14 dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước trọng điểm góp phần giải quyết 47/58 điểm ngập của thành phố, chỉ còn lại 11 điểm ngập.

Trong năm 2014, TTCN đang triển khai thực hiện 22 dự án trong điểm phục vụ giải quyết ngập do mưa và ngập do triều. Đến nay đã xóa giảm được 1/6 điểm ngập do mưa (điểm ngập trên đường Tỉnh lộ 43) và xóa giảm được 1/1 điểm ngập do triều đã đăng ký năm 2014 (điểm ngập Bến Phú Định). 
   
Để triển khai thực hiện nhanh các dự án, TTCN kiến nghị: Các cơ quan quản lý cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thẩm định phê duyệt dự án, cấp phép thi công.  Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập nước TP Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho rằng, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, kéo theo mưa và triều cường lớn hệ thống thoát nước hiện tại quá tải. Chính vì vây, Trung tâm chống ngập nước TP xin ý kiến UBND TP điều chỉnh lại tầng xuất thiết kế hệ thống cống thoát nước hiện nay với kinh phí dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.

Cũng theo ông Anh Dũng, nhằm hạn chế ngập, thời gian tới, cần triển khai thực hiện đề án chống ngập 1547 của Thủ tướng (đề án này xây các cống ngăn triều ở các cửa sông, kênh lớn). Với mục tiêu xóa giảm ngập vùng trung tâm thành phố, TTCN đề xuất bổ sung 12 dự án mới trực tiếp phục vụ mục tiêu xóa các điểm ngập còn lại để Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố thông qua.

Ngoài ra, để các dự án chống ngập được sớm triển khai thi công, TTCN khiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thẩm định phê duyệt dự án, cấp phép thi công.  Thời gian qua, nhiều dự án, công trình tiến độ chậm, nguyên nhân chính thủ tục rườm rà (thẩm định, phê duyệt, cấp phép thi công). Một số công trình thời gian thi công chỉ vài tháng là xong nhưng thời gian làm thủ tục mất từ 1 năm đến hơn 2 năm. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng do quận, huyện thực hiện để triển khai thi công các công trình còn rất chậm, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ các dự án.

Hầu hết các đại biểu Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân TP, sau nhiều ngày giám sát công tác chống ngập trên địa bàn TP cho rằng, chống ngập là sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành , quận, huyện chứ một mình trung tâm chống ngập không thể làm được. Mặt khác, thời gian qua, TP chỉ mới xử lý sự cố ngập chứ chưa có biện pháp phòng ngừa. Cần khẩn trương quy hoạch một không gian tối thiểu dành cho nước (như đối với diện tích dành cho giao thông, cây xanh,…), đồng thời rà soát các quy hoạch hiện hành để điều chỉnh theo hướng giảm thiểu thiệt hại trong tương lai. 

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục