TPHCM: Xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng

Đến tháng 9-2022, ước tính TPHCM đã phát hiện 68.420 người nhiễm HIV và đã có 13.678 người tử vong vì căn bệnh thế kỷ này. Hiện xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 sẽ là một thách thức lớn đối với TPHCM.

Ngày 1-12, Sở Y tế TPHCM tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

TPHCM: Xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng ảnh 1 TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin tại lễ mít tinh 
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đến tháng 9-2022, ước tính TPHCM đã phát hiện 68.420 người nhiễm HIV và đã có 13.678 người tử vong vì căn bệnh thế kỷ này. Hiện xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 sẽ là một thách thức lớn đối với TPHCM.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên vào năm 1990 đến nay, TPHCM đã nỗ lực kết hợp triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội và chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ đó, tình hình bệnh HIV/AIDS trên địa bàn thành phố từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp nhiễm HIV chuyển sang AIDS và tử vong liên quan tới căn bệnh này hàng năm liên tục giảm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và đã vượt qua xu hướng lây nhiễm qua đường máu. Điều này cho thấy tiềm ẩn nguy cơ HIV sẽ tiếp tục lây lan cho cộng đồng.

TPHCM: Xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng ảnh 2 Đoàn xe diễu hành tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS
“TPHCM đã hoàn thành mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm bệnh của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế). Hiện TPHCM đang hướng đến mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin.

Đồng thời lo ngại, trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ bị cắt giảm thì việc giữ vững thành quả phòng, chống HIV/AIDS cũng như hoàn thành mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và hướng đến kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 sẽ là một thách thức lớn đối với TPHCM.

Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, TPHCM tập trung vào chủ đề “Chấm dứt dịch bệnh AIDS – Thanh niên sẵn sàng”. Cụ thể, kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục