Trả giá bằng ô nhiễm

“Không thể chấp nhận được”
Trả giá bằng ô nhiễm

Từ cuối tuần qua, toàn bộ miền Bắc và Đông Trung Quốc, trong đó có TP Bắc Kinh, bị một lớp mây bụi dày đặc bao phủ. Tại nhiều nơi, mây bụi làm tầm nhìn dưới 100m. Hệ quả là không ít người phải nhập viện khi bị mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, giao thông ngưng trệ, cuộc sống thường nhật bị đảo lộn. Người dân Trung Quốc đã lên tiếng và báo chí cũng đã vào cuộc bởi tình trạng ô nhiễm tại quốc gia 1,3 tỷ dân này đã ở mức báo động.

Thành phố Bắc Kinh chìm trong khói bụi.

Thành phố Bắc Kinh chìm trong khói bụi.

“Không thể chấp nhận được”

Trên trang mạng xã hội Sina Weibo, John Ross, người từng là cố vấn của cựu thị trưởng London (Anh) Ken Livingstone và hiện đang sống ở Thượng Hải, đã chia sẻ rằng lớp bụi bao phủ ở Trung Quốc làm John liên tưởng đến hiện tượng đã từng xảy ra tại London năm 1952. Vào thời điểm đó, thảm họa khói bụi đã cướp đi sinh mạng của 4.000 người trong 2 tuần. Trong vài tháng sau đó, số người chết vì ô nhiễm không khí đã lên hơn 8.000 người. Cindy Lu, một nữ nhân viên văn phòng tại Bắc Kinh, cho rằng tình trạng này là “không thể chấp nhận được” khi sinh hoạt thường nhật của cô giờ đây bị đảo lộn tất cả.

Không chỉ có người dân Trung Quốc ta thán về tình trạng ô nhiễm nặng nề, báo chí nước này cũng thể hiện sự bất bình. Tờ China Daily viết: Vấn đề ô nhiễm gây tác hại cho sức khỏe đã trở thành nghiêm trọng và cần phải bàn thảo công khai. Bài báo cũng cho hay hoạt động của con người mới là nhân tố lớn nhất khiến ô nhiễm trở nên nghiêm trọng như hiện nay. Theo China Daily, sự yếu kém trong quy hoạch đô thị và số lượng người sở hữu xe hơi tăng vọt là 2 nguyên nhân chính khiến mật độ ô nhiễm tăng.

Trong khi đó, tờ Hoàn cầu thời báo nhận định các biện pháp đối phó ô nhiễm không khí tại Trung Quốc đã không phát huy tác dụng. Tờ báo cáo buộc chính phủ không coi trọng những hoạt động chống ô nhiễm môi trường, đồng thời yêu cầu giới chức công bố rộng rãi mọi thông tin về ô nhiễm để người dân có thể tham gia vào cuộc chiến bảo vệ bầu không khí.

Còn tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng một bài xã luận trên trang nhất với tiêu đề “Hãy coi quản lý ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp bách”. Bài xã luận cho rằng tình trạng ô nhiễm đang bóp nghẹt cuộc sống của người dân.

Không ít ý kiến cho rằng Trung Quốc đang phải trả giá cho quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng của quốc gia này. Các nhà máy, các ngành công nghiệp nặng như khai mỏ đang đầu độc môi trường Trung Quốc. Không chỉ có không khí bị ô nhiễm, một cuộc nghiên cứu mới đây do chính phủ Trung Quốc thực hiện cho thấy 10% đất nông nghiệp ở nước này chứa kim loại nặng như thủy ngân, chì và cadmium với nồng độ vượt tiêu chuẩn an toàn. Các kim loại này có thể gây tổn thương ở hệ thần kinh, hệ sinh sản và thận, cũng như gây ra những biến chứng sức khỏe khác, đặc biệt ở trẻ em. Báo chí Trung Quốc thời gian qua vẫn thường bày tỏ quan ngại về tác hại của nền công nghiệp gây ô nhiễm. Giờ đây trước hiện trạng thực tế và có số liệu khoa học, “quyền lực thứ tư” đã phản ứng mạnh hơn.

Khắc phục ô nhiễm bằng mọi giá

Mọi chỉ số ô nhiễm không khí tại TP Bắc Kinh trong những ngày cuối tuần trước đã vượt xa ngưỡng an toàn của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Theo tiêu chuẩn của WHO, mật độ trung bình của những hạt bụi có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) không được phép lớn hơn 25 (microgram/m3). Không khí sẽ trở nên nguy hiểm nếu chỉ số hạt PM2,5 lớn hơn 100. Nếu con số đó tăng lên mức 300, trẻ em và người già nên ở nhà. Trong khi, các chỉ số chính thức tại Bắc Kinh cho thấy chỉ số bụi PM2,5 là 993 trong đêm 12-1.

Sau khi báo chí lên tiếng, giới chức Trung Quốc cũng đã thừa nhận về mức độ nguy hiểm của ô nhiễm không khí. Tờ Chinda Daily ngày 16-1 dẫn lời Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết bằng mọi cách sẽ phải cải thiện bầu không khí ô nhiễm tại nước này. Ông Lý Khắc Cường đã kêu gọi khẩn trương học tập kinh nghiệm từ những thành phố lớn trên thế giới trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Thomas Unnasch, chuyên gia về y khoa tại San Francisco (Mỹ), liên tưởng chuyện của Bắc Kinh đến vấn đề của Los Angeles trong những năm 1960, khi đó không khí ô nhiễm bởi lượng khói do 2.000 ô tô xả ra trong một ngày. Trong khi đó, số phương tiện tham gia giao thông tại Bắc Kinh hiện nay khoảng 5,2 triệu xe.

Chính vì vậy, tờ China Daily cho rằng trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh, Trung Quốc phải tìm ra giải pháp để sự phát triển không làm giảm chất lượng cuộc sống thành thị và môi trường. Tờ báo trên đã đề ra một số giải pháp như giảm mật độ nhà cao tầng trong đô thị, trồng thêm nhiều cây trong khu vực dân cư, giảm số lượng xe cơ giới. Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc cũng đang đề ra những chính sách để quốc gia này xanh, sạch hơn. Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư 49 tỷ USD cho “kinh tế xanh”. Đây là mức đầu tư lớn nhất thế giới hiện nay và mức này có thể tăng trong năm tới. Các nhà chức trách cho biết họ đã đề nghị 58 nhà máy có lượng khí thải cao dừng hoạt động. Đó là chuyện vĩ mô, chuyện của tương lai, còn trong bối cảnh trước mắt, chính quyền các thành phố Trung Quốc đã ra lệnh tạm ngưng các công trình xây dựng gây nhiều bụi. Các nhà máy phải dừng sản xuất hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, luyện kim và sản xuất vật liệu xây dựng. Khoảng 30% xe công cũng bị cấm đi lại trên các đường phố Bắc Kinh trong những ngày ô nhiễm nặng, theo thông báo của Cục Quản lý giao thông TP này.

Đỗ Cao (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục