Theo dõi loạt bài phản ánh tình trạng “Phá rừng để… trồng rừng” ở tỉnh Quảng Nam trên Báo SGGP số ra các ngày 9, 10 và 13-7-2009, tôi thấy hết sức bất bình và phẫn nộ.
Thật khó hiểu là tại sao vụ việc đã diễn ra trong một thời gian dài trên quy mô lớn như thế mà cả chính quyền địa phương lẫn các ngành chức năng lại không hề hay biết, chỉ đến khi báo chí lên tiếng thì lực lượng kiểm lâm mới vào cuộc.
Hơn nữa, lời giải thích bước đầu của một cán bộ Trạm Kiểm lâm ở xã Tam Mỹ Tây thật khó lòng chấp nhận: “Lỗi do cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn đã phát hiện chậm” (?!).
![]() |
Nỗi đau của rừng. |
Hàng trăm hécta rừng nguyên sinh bị tàn phá trong nhiều năm trời, làm cạn kiệt nguồn nước của hồ thủy lợi Phú Ninh trong mùa nắng cũng như tăng nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của hệ sinh thái rừng, rõ ràng đó không phải là một việc làm có thể dễ dàng bưng bít. Nếu không có sự tiếp tay, dung túng của cán bộ địa phương và các cơ quan chức năng thì khó xảy ra chuyện xâm hại hàng trăm hécta rừng phòng hộ đầu nguồn như thế.
Quyết định số 661 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 29-7-1998 đã nêu rõ nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là “đẩy mạnh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ có hiệu quả vốn rừng hiện có, kết hợp trồng rừng bổ sung và rừng mới”, đồng thời trong giai đoạn 2006-2010, nhà nước đề ra chỉ tiêu trồng mới 2 triệu ha rừng, trong đó có 390.000 ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Như vậy, rõ ràng việc phá rừng phòng hộ hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, khi mà việc quy hoạch chuyển đổi rừng chưa được Chính phủ xét duyệt, là một việc làm đi ngược lại chủ trương của nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến nguồn tài sản quốc gia.
Điều hiện nay dư luận đặc biệt quan tâm là việc xử lý như thế nào, có đến nơi đến chốn hay lại “giơ cao đánh khẽ”, tiếp tay cho những người trục lợi sai trái.
Nguồn tài nguyên xanh vô giá của quốc gia đang kêu cứu, những đàn voọc quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu các ngành chức năng không sớm có các biện pháp mạnh tay để bảo vệ và xử lý những sai phạm thì bên cạnh việc lãng phí nguồn tài sản quốc gia, chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm của mình.
NGUYỄN TẤN
Các tin, bài viết khác
-
Cần thấu tình, đạt lý
-
Cần xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến cóc”
-
Trồng rừng cũng bị thu hồi
-
Phố đi bộ kết hợp tổ chức lại không gian vỉa hè
-
Cần quản chặt rượu tự nấu, tự ngâm
-
Nghiêm trị thói côn đồ khi tham gia giao thông
-
Đảm bảo an toàn khi đưa đón trẻ
-
Nhan nhản nón bảo hiểm kém chất lượng
-
Không nên lạm dụng camera phone
-
Vẫn tắc đường khu vực Bến xe miền Đông cũ