Sự kiện 100% các chủ tịch CLB bóng đá thống nhất với đề xuất thành lập công ty quản lý giải V-League và sự chấp thuận về mặt chủ trương của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tạo nên một bước ngoặt cho lịch sử bóng đá Việt Nam. Lần đầu tiên, giải đấu số 1 Việt Nam, nền tảng cơ bản nhất của cả nền bóng đá, đã được trao lại cho chính những thành viên của nó. Dư luận đón nhận sự kiện này với nhiều niềm vui. Có người còn xem đấy là “một cuộc cách mạng về bóng đá”. Tuy nhiên, gọi cho đúng tên, đấy chỉ là sự trả về đúng bản chất của sự việc mà thôi.
10 năm qua, V-League được vận hành dựa trên nguyên tắc: các CLB tự chủ và đóng góp cho VFF để tổ chức hoạt động thi đấu. Giá trị của V-League càng cao, những khoản tiền từ tài trợ, truyền hình sẽ được tăng lên và VFF được hưởng hết phần lớn. Ấy vậy mà chính các CLB lại chịu thiệt thòi khi ban tổ chức không điều hành nổi giải đấu, trọng tài không công tâm. Sự thua thiệt ấy bắt buộc những ông “bầu” bóng đá phải phản ứng. Với sự ra đời của công ty quản lý V-League, xem như các CLB đã giành lại cái quyền mà lẽ ra phải thuộc về họ.
Sự kiện ngày 29-9 được kỳ vọng sẽ trả cho bóng đá những bản chất vốn có của nó. Khi các CLB trực tiếp bầu ra bộ phận điều hành giải đấu của mình, họ có quyền đòi hỏi chất lượng cao hơn ở công tác tổ chức. Như một công ty đại chúng, điều hành càng tốt, lợi nhuận càng cao và công ty ngày càng phát triển. Ở khía cạnh bóng đá, những sự phát triển ấy được đo lường bằng lượng khán giả đến sân, bằng doanh thu bản quyền truyền hình và các sản phẩm dịch vụ ăn theo các trận đấu. Bóng đá sinh ra, tồn tại và phát triển là để phục vụ xã hội. Chỉ có cách trả bóng đá về cho xã hội thì mới có cơ sở để phát triển.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận nỗ lực của VFF nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là trong hơn 10 năm vận hành nền bóng đá chuyên nghiệp. Ngay cả việc tán thành đề án “ra riêng” của các ông bầu vừa qua cũng cho thấy nỗ lực rất lớn của tổ chức này khi phải hy sinh nguồn lợi gần như là duy nhất để có ngân sách hoạt động. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bộ máy VFF không phát triển nhanh như tính xã hội của bóng đá chuyên nghiệp. Mỗi CLB giờ đây còn hơn cả một doanh nghiệp khi tầm ảnh hưởng của nó vượt quá khuôn khổ hoạt động kinh doanh, thi đấu. Với cơ chế của mình, VFF không thể ôm choàng phần việc mà ngay như nhiều thành viên của họ chưa từng được trải nghiệm. Trả quyền quản lý về cho các CLB là một xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, sự ra đời của công ty quản lý V-League chỉ nên nhìn nhận như một bước tiến vượt bật, một cú hích có trọng lượng chứ chưa thể xem đó là sự thay đổi mang tính cốt lõi. Đấy chỉ mới là việc trả về đúng bản chất, còn thành công của mô hình đó vẫn là một thách thức của làng cầu nội địa khi mà hiện nay, mục đích làm bóng đá mỗi nơi mỗi khác và bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam vẫn chưa có đủ đường băng thông thoáng về cơ chế để “cất cánh”. Tuy nhiên, nói như cựu Trưởng ban tổ chức V-League, ông Dương Nghiệp Khôi, cái quan trọng nhất là đã cởi bỏ được những rào cản về cơ chế làm trì trệ bóng đá Việt Nam bấy lâu nay.
Việt Quang