Ngày mai, đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 26 sẽ làm lễ xuất quân, bắt đầu một kỳ đại hội mà chúng ta tham dự với lực lượng hùng hậu nhất. Thế nhưng, trước giờ lên đường, chính ông Lâm Quang Thành, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam phải thừa nhận, SEA Games 26 sẽ là kỳ đại hội khắc nghiệt nhất, khó lường nhất bởi đến thời điểm này, những thông tin của chúng ta có được về điều kiện thi đấu tại Indonesia là không đầy đủ. Trước mắt, đoàn Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó trong việc di chuyển giữa 2 điểm đăng cai cách xa nhau. Khó hơn nữa vẫn chính là cung cách tổ chức theo kiểu “ao làng” bấy lâu nay. Đoàn chủ nhà sẽ tận dụng mọi ưu thế để đoạt 1/3 số HCV, vì thế mà ngay khi chưa xuất quân, đã có thể tính được số huy chương mà chúng ta sẽ mất ở các môn thế mạnh của nước chủ nhà.
Hai đối thủ tranh chấp chính với Việt Nam là Malaysia và Thái Lan đã bày tỏ thái độ. Lãnh đạo đoàn thể thao Malaysia tuyên bố, sẽ lãng phí thời gian và công sức khi cố gắng tham gia đủ các môn tại SEA Games 26, nơi có nhiều môn lạ được đưa vào chương trình thi đấu. Trong khi đó, Thái Lan lại không thể có sự chuẩn bị tốt nhất khi cả nước đang đương đầu với trận lũ lụt lịch sử khiến hàng trăm cơ sở thể thao phải đóng cửa. Thái Lan cho rằng, nếu họ không có thứ hạng cao tại SEA Games 26 cũng chẳng phải là điều bất ngờ.
Với thể thao Việt Nam, mục tiêu đứng hạng 3 toàn đoàn được đưa ra dựa trên tính toán sẽ đoạt từ 60-70 HCV. Điều đáng nói là phân nửa số HCV đến từ các môn thi đấu chỉ có tại SEA Games như Vovinam, võ Kempo, lặn, billiard… Trong khi đó, dự kiến điền kinh chỉ đạt 8 HCV, môn bơi đặt chỉ tiêu 1 HCV, các môn võ thế mạnh như taekwondo, karatedo cũng giảm chỉ tiêu so với các kỳ trước. Chính vì thế, không ai nghi ngờ mục tiêu của thể thao Việt Nam nhưng vẫn rất lo ngại khi nhìn vào bảng đăng ký huy chương của các môn Olympic vốn không tăng được số lượng so với trước.
Một vấn đề khác, cũng như mọi lần, điều lo lắng nhất của thể thao Việt Nam chính là vấn đề trọng tài. Ngoài các cuộc vận động hậu trường để giữ lại những nội dung thi đấu thế mạnh, Việt Nam còn phải đấu tranh để bổ sung các trọng tài của mình hòng giữ thế cân bằng trên sàn đấu. Rất nhiều môn thể thao thế mạnh của chúng ta lại dễ bị trọng tài xử ép do cách chấm điểm thiên về cảm tính. Càng trông đợi HCV ở các môn thi đấu biểu diễn như wushu (nội dung taolu), quyền karate, vovinam, kempo, chúng ta lại càng nơm nớp lo sợ trọng tài.
Trong khi đó, ở các kỳ SEA Games, Thái Lan luôn đứng trên Việt Nam nhờ 1/2 số HCV mà họ có được đến từ các môn cơ bản. Các đoàn như Malaysia hay Singapore dù xếp sau Việt Nam nhưng lại vượt hơn số HCV ở các môn Olympic. Những môn thể thao này được xác định thành tích một cách khoa học và chính xác hơn nhờ thiết bị kỹ thuật nên không phải lo lắng việc trọng tài thiên vị.
Nhà nước đầu tư rất mạnh và có chiều sâu cho thể thao. Các VĐV của chúng ta cũng ngày càng nâng cao thành tích của mình qua việc tập luyện miệt mài suốt cả năm trời. Thế nhưng, cứ mỗi khi lên đường dự SEA Games, điều khiến chúng ta lo ngại không phải vì sự cạnh tranh chuyên môn từ các đoàn bạn mà ở các “cuộc chiến hậu trường” trong cuộc đua tổng số HCV. Điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta có ưu thế vượt trội ở những môn cơ bản hoặc tự xác định lại mục tiêu khi dự SEA Games thay vì cứ tính toán số lượng HCV cho đủ chỉ tiêu. Bởi vậy, trước khi trách người thì phải nhìn lại mình.
Tâm Việt