Trách nhiệm chính trị

Hôm nay 22-10, kỳ họp thứ 4 Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Đây là kỳ họp được người dân quan tâm một cách đặc biệt bởi nhiều nội dung “nặng ký” được đặt ra trên nghị trường, bởi thực tế xã hội đang có rất nhiều vấn đề “nóng” mà cử tri, nhân dân bức xúc. Và đặc biệt, kỳ họp diễn ra ngay sau khi Hội nghị TƯ 6 vừa kết thúc với rất nhiều vấn đề mà nhân dân đang quan tâm.

Một kỳ họp với rất nhiều nội dung trọng đại như Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai…, chắc chắn cử tri và người dân rất trông đợi.

Một kỳ chất vấn được triển khai bằng việc QH sẽ nghe báo cáo của Chính phủ trình bày về việc thực hiện Nghị quyết của QH tại các kỳ họp thứ 2 và thứ 3, đồng nghĩa với việc Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện các cam kết, lời hứa của các thành viên Chính phủ với cử tri và nhân dân cả nước.

Và ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng nhằm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 với tinh thần đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng (tại nhiều kỳ họp trước, báo cáo này chỉ được gửi bằng văn bản đến ĐBQH) chắc chắn cũng được nhân dân cả nước kỳ vọng.

Thời gian qua, cùng với việc hướng về nội dung, chương trình của kỳ họp thứ 4 QH khóa XIII, đông đảo cử tri và nhân dân cả nước bày tỏ sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đặc biệt, qua theo dõi kết quả Hội nghị TƯ 6, cử tri và nhân dân hoan nghênh trách nhiệm chính trị và quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ trong thực hiện Nghị quyết Hội nghị TƯ 4, nhưng vẫn cho rằng đó mới chỉ là kết quả bước đầu và đặt nhiều kỳ vọng vào Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan Nhà nước có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để sớm chấn chỉnh tới nơi tới chốn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, thiếu trách nhiệm…

Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế nước ta tuy phát triển nhưng chưa bền vững, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống liên tục tăng. Nợ xấu trong ngân hàng và hàng tồn kho trong doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây bất ổn cho nền kinh tế; đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp. Tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi. Vấn đề lợi ích nhóm, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, ngân hàng và những tiêu cực phát sinh trong việc quản lý đất đai, tài sản công chưa được giải quyết kịp thời, triệt để. Đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn, chênh lệch giàu nghèo gia tăng, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp... đều là bức xúc trong nhân dân. Hay câu chuyện thủy điện Sông Tranh 2, đập thủy điện Đắk Rông 3 với những tranh cãi chưa có hồi kết khi mà từng ngày, người dân vẫn sống trong phập phồng lo sợ, hay tại sao đến nay vụ án của ông Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng) vẫn chưa được đưa ra xét xử...

Tất cả những vấn đề này đang được đặt lên nghị trường, đòi hỏi các vị ĐBQH phải thể hiện trách nhiệm chính trị của mình một cách rõ ràng trước cử tri, nhân dân cả nước. QH và từng vị ĐBQH có quyền truy vấn các cơ quan của Chính phủ, từng thành viên Chính phủ về những việc đã hứa mà chưa làm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các yếu kém, sai phạm diễn ra trong các lĩnh vực được giao quản lý.

Bởi lẽ, chỉ khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân, làm tổn hại đến uy tín, thanh danh của Đảng, giảm niềm tin của nhân dân... thì mới có cơ sở để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước. 

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục