Trách nhiệm cộng đồng

“Bỏ thuốc lá chẳng có gì khó”, phát biểu trên của Giám đốc điều hành công ty sản xuất thuốc lá Philip Morris của Mỹ, Louis Camilleri, đã tạo nên luồng dư luận phản đối mạnh mẽ tại Mỹ trong những ngày qua.

Ông Camilleri đưa ra tuyên bố trên sau khi The Nightingale Nurses, một tổ chức chuyên theo dõi ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá, công bố một thống kê cho biết mỗi năm có hơn 400.000 người tại Mỹ và 5 triệu người trên toàn thế giới tử vong do hút thuốc lá.

Tiến sĩ Len Lichtenfeld, Phó Chủ tịch Hội ung thư Mỹ, cho hay, thuốc lá gây nghiện ghê gớm và những người nghiện nặng rất khó bỏ thuốc. Những thống kê trên đã cho thấy nỗ lực giảm số người sử dụng thuốc lá đang vấp phải rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Chủ tịch phong trào Tobacco-Free Kids, Matthew L. Myers, cho rằng tuyên bố của ông Camilleri là bước nối tiếp luận điệu chối bỏ và cố tình làm giảm nhẹ sự nguy hiểm của thuốc lá đối với sức khỏe con người. Theo ông Myers, việc ông Camilleri có thừa nhận thuốc lá gây nghiện và ảnh hưởng đến sức khỏe con người là chưa đủ. Cần phải nhìn nhận thuốc lá như các loại ma túy bị luật pháp cấm sử dụng khác như cocaine và heroin.

Không chỉ có các chuyên gia, các nhà khoa học mới lên tiếng phản đối tuyên bố của ông Camilleri. Các diễn đàn trên internet ngập tràn những ý kiến phản bác ông này. Nickname Screwsmoking123 thừa nhận: “Bỏ thuốc không khó ư? Thật vớ vẩn. Tôi đã hút thuốc 10 năm nay. Tôi thật sự rất muốn bỏ thuốc để thoát khỏi những ảnh hưởng của chất gây nghiện mang lại. Nhưng tôi không thể. Thuốc lá là ma quỷ”. Một nickname khác, Truth, thì khẳng định: “Chỉ có thể bỏ thuốc khi không còn bất kỳ nhà sản xuất thuốc lá nào còn tồn tại trên thế giới”…

Theo TS John Spangler, PGS khoa y Đại học Wake Forest, phát biểu của ông Camilleri không nằm ngoài mục đích khuyến khích mọi người hút thuốc lá, làm đầy túi các nhà sản xuất. Lợi nhuận của ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá vẫn không ngừng tăng hàng năm. Thống kê lợi nhuận của Philip Morris quý I-2011 cho thấy, lợi nhuận tăng 13%, đạt mức 1,92 tỷ USD, doanh thu tăng 4,7%, đạt mức 17,81 tỷ USD. Khoản sinh lợi kếch xù như vậy khiến các công ty, trong đó có Philip Morris, ngày càng bất chấp những nguy hiểm thuốc lá gây ra cho sức khỏe con người, tăng cường các hình thức quảng cáo để mở rộng thị phần cũng như nhắm tới đối tượng khách hàng đa dạng.

TS John Spangler cho rằng, chính quảng cáo dày đặc đã làm giảm hiệu lực của các điều luật hiện hành ở Mỹ như cấm hút thuốc ở nơi công cộng, đánh thuế thuốc lá cao… Đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, trẻ em, vị thành niên là các đối tượng rất dễ bị thu hút bởi những quảng cáo về sản phẩm thuốc lá.

TS Spangler dẫn một nghiên cứu để chứng minh cho điều này. Theo đó, những năm 1990, nhãn hiệu thuốc lá “Con lạc đà” Joe Camel được trẻ nhỏ dễ dàng nhận biết hơn cả hình ảnh chú chuột Mickey, nhân vật hoạt hình được toàn thế giới biết đến. Và hệ quả là số thanh niên Mỹ sử dụng thuốc lá hiện nay là trên 20%.

Lợi nhuận đối với một doanh nghiệp, một công ty là quan trọng. Nhưng lòng tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp lại là nhân tố chính giúp doanh nghiệp thành công. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu trách nhiệm đối với cộng đồng chính là chìa khóa dẫn tới thành công bền vững cho mỗi doanh nghiệp. 

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục