Trách nhiệm của cả cộng đồng

Dự thảo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, vừa được đem ra thảo luận, đóng góp ý kiến tại UBND TPHCM. Trong đó nhấn mạnh, việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức và cộng đồng.

Dự thảo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, vừa được đem ra thảo luận, đóng góp ý kiến tại UBND TPHCM. Trong đó nhấn mạnh, việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức và cộng đồng.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, TPHCM sẽ là thành phố văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế và xã hội, TPHCM cũng là đô thị khai thác, tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng cao nhất cả nước. Hàng năm, TPHCM tiêu thụ từ 16,3 tỷ KWh điện (năm 2011) đến 19,4 tỷ KWh điện (năm 2014), với tốc độ tăng từ 8%-10%/năm. Mỗi ngày TPHCM khai thác và sử dụng 1,6-1,7 triệu m3 nước cấp và thải ra từ 1,4-1,5 triệu m3 nước thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế… Lượng nhiên liệu (xăng, dầu, gas…) cung cấp cho hơn 500.000 xe ô tô, hơn 6 triệu xe máy các loại… lên đến 3.000 m3/ngày, chưa kể củi và than các loại.

Trước tình hình trên, TPHCM sẽ nỗ lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu bằng nguồn lực nội tại, vận động tối đa sự hỗ trợ, hợp tác trong và ngoài nước. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực quy hoạch, năng lượng, giao thông, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải… Đối với quy hoạch, thực hiện quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, quy hoạch các khu đô thị trên vùng ngập nước. Tăng diện tích cây xanh thêm 13.700ha, tương đương 10 triệu cây xanh, so với diện tích cây xanh hiện tại, bao gồm công viên, cây xanh dọc hành lang đường bộ, đường thủy. Phủ xanh 10%-30% diện tích mái nhà, tùy từng khu vực của thành phố và tập trung ở khu vực trung tâm. Đối với lĩnh vựcnăng lượng, cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện gia dụng hàng năm. Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 3%-5% so với tổng năng lượng điện tiêu thụ của thành phố; tập trung vào nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học; sử dụng xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng A92; nâng cấp mạng lưới điện nhằm giảm thất thoát điện trên hệ thống phân phối còn dưới 4%.

Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu làm hướng di chuyển của các cơn bão nhiệt đới trở nên khó lường, tăng xác suất ảnh hưởng của các cơn bão nhiệt đới đến TPHCM. Do vậy, việc quản lý nước (cấp nước, thoát nước, chống ngập) rất được quan tâm trong dự thảo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn TPHCM lần này. Thành phố sẽ đầu tư, xây dựng mới các nhà máy, trạm xử lý nước và mạng lưới với kỹ thuật xử lý nước tiên tiến có khả năng loại bỏ vi chất ô nhiễm, đảm bảo cung cấp 100% nhu cầu nước sạch cho thành phố. Phân chia khu vực quản lý, đầu tư nâng cấp mạng lưới, phấn đấu giảm thất thoát nước sạch trên mạng lưới cấp nước từ 32%-34% ở thời điểm hiện tại xuống dưới 25%. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng hồ dự trữ nước thô kết hợp tiền xử lý với dung tích từ 15 - 40 triệu m3; triển khai các dự án thí điểm thu gom và tái sử dụng nước mưa ở các cao ốc, trường học, bệnh viện, chợ đầu mối…

Lãnh đạo Văn phòng biến đổi khí hậu (Sở TN-MT TPHCM) cho rằng, việc ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của toàn xã hội, các cấp, các ngành, các tổ chức và cộng đồng. Việc ứng phó này song hành với tận dụng những cơ hội từ công tác thích nghi và giảm thiểu biến đổi khí hậu để phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên của nền kinh tế TPHCM; gắn kết thành phố với các địa phương trong cả nước. Bên cạnh đó, ứng phó với biến đổi khí hậu phải trên cơ sở tăng cường năng lực quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật đi đôi với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội. Cần tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác công tư để huy động mạnh mẽ, hiệu quả hơn các nguồn đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa, hướng đến tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục