Trách nhiệm của ngành đường sắt

Chỉ trong vòng 4 ngày đầu tháng 2-2012, cả nước đã liên tiếp xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt, làm chết 10 người và bị thương hàng chục người, điển hình là vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 1-2, chiếc ô tô Innova 52P-4310 do tài xế Lê Thanh Hà (44 tuổi, ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) điều khiển đã bị tàu hỏa đâm tại khu vực giao nhau giữa đường sắt và đường bộ thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi, làm 4 người chết, 3 người bị thương. Sau đó là vụ tai nạn xảy ra hồi 10 giờ ngày 3-2, tại thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam), làm 3 người đang trên đường đi đón dâu, trong đó có chú rể, chết tại chỗ.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) Đường sắt, từ đầu năm đến nay hầu như ngày nào cũng xảy ra TNGT đường sắt làm chết người. Với diễn biến này, nhiều người đặt dấu hỏi, liệu mục tiêu năm 2012 của ngành đường sắt là giảm 10% TNGT đường sắt ở cả ba tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và bị thương có thể hoàn thành? Mục tiêu này càng trở nên nan giải khi TNGT đường sắt đã gần như không thể kiểm soát trong một thời gian dài. Bởi sau rất nhiều nỗ lực của ngành đường sắt, trong năm 2011, toàn ngành vẫn xảy ra 524 vụ tai nạn, làm chết và bị thương hơn 600 người, tăng hơn 10% so với năm 2010.

Ông Nguyễn Đạt Tường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cũng phải thừa nhận, ATGT đường sắt đang tiếp tục có diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn, số người bị chết và bị thương đều tăng so với năm trước.

Mặc dù số vụ tai nạn xảy ra chủ yếu là do nguyên nhân khách quan, chiếm 95,2% tổng số vụ, thế nhưng những vụ TNGT đường sắt thảm khốc liên tiếp diễn ra vẫn khiến cho nhiều người không khỏi băn khoăn về trách nhiệm của ngành đường sắt. Nguyên nhân TNGT đường sắt đã được “bắt bệnh” từ lâu, đó là do hệ thống đường ngang dân sinh tự phát dày đặc, là do ý thức người tham gia giao thông kém, thế nhưng ngành đường sắt không thể cứ để lỗi cho người dân. Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản, vì tính mạng con người, trong khi chưa làm được đường gom, đường ngang có người gác, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần cử người đứng gác ở tất cả những đường ngang ô tô đi qua, những điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn. Chấp nhận trả lương cho người gác còn hơn để mỗi ngày có thêm vài người chết trên các đường ngang qua đường sắt. Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, TNGT đường sắt vẫn xảy ra ở cả những đường ngang có gác, ở đường ngang có tín hiệu cảnh báo tự động. Trong trường hợp này, cần phải xem lại trách nhiệm của những người thừa hành công vụ, nếu để xảy ra tai nạn.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh dư luận đang xôn xao về đề xuất của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đòi xem xét, thậm chí cách chức người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra TNGT tăng 3 năm liên tiếp thì nhiều người đặt câu hỏi: Trách nhiệm của người đứng đầu ngành đường sắt sẽ ra sao khi TNGT đường sắt vẫn tiếp tục tăng?

Bích Quyên

Tin cùng chuyên mục