Chính phủ vừa ban hành Nghị định 90/2013/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 30-9) quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao (Nghị định 90).
Theo đó, khi có yêu cầu của các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và mọi công dân thì các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao phải có trách nhiệm giải trình một cách công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời và đúng thẩm quyền. Nội dung giải trình được quy định trong tất cả những lĩnh vực hành chính, công vụ, ngoài những vấn đề thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước và những chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới. Nghị định cũng quy định, cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước nếu không chấp hành việc thực hiện trách nhiệm giải trình thì tùy tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Có thể nói, Nghị định 90 đã phân định rõ trách nhiệm giải trình công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đối với những vấn đề bức xúc của người dân và của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trước yêu cầu cuộc sống đặt ra. Trong đời sống xã hội hiện nay, rất nhiều vấn đề bức thiết như việc ban hành giá cả thiết yếu của một số mặt hàng chiến lược, các quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng, các chính sách xã hội, các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, hoạt động tư pháp…, việc thực thi còn có những khác biệt so với thực tế. Những vấn đề nêu trên có sự tác động và ảnh hưởng không nhỏ đối với đời sống dân sinh. Mọi công dân, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức nghề nghiệp và cả các cơ quan nhà nước muốn tìm hiểu thông tin, chất vấn, giám sát việc thực thi của các cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, không biết “gõ cửa” ở đâu. Sự thiếu phân định trách nhiệm này còn tạo ra tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, chồng chéo trong thực thi công vụ giữa những người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau.
Như vậy, quy định về trách nhiệm giải trình công vụ được coi là công cụ quan trọng để người dân giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức và các cơ quan hành chính nhà nước đến đâu, kết quả ra sao một cách công khai, minh bạch nhất.
HOÀI NAM