Trách nhiệm người đứng đầu

Chiều ngày 16-8-2016, khi chủ trì cuộc họp với các chủ tịch UBND quận - huyện ở TPHCM về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nghiêm khắc phê bình các trường hợp chủ tịch UBND quận - huyện vắng họp, và yêu cầu các phó chủ tịch UBND quận - huyện đi họp thay phải rời phòng họp.

Chủ tịch UBND TPHCM đòi hỏi các chủ tịch UBND quận - huyện phải có mặt tại cuộc họp này, vì lẽ chủ tịch UBND quận - huyện giữ nhiệm vụ trưởng ban an toàn giao thông quận - huyện, nên không được phép thờ ơ trách nhiệm khi trong 7 tháng qua số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) ở 15 quận - huyện tăng so với cùng kỳ năm trước. Đây không phải là cuộc họp triệu tập đột xuất khiến các chủ tịch UBND quận - huyện không thể sắp xếp thời gian dự họp.

Không thể thờ ơ khi trên địa bàn TPHCM trong 7 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 2.598 vụ TNGT, làm 465 người chết và 1.739 người bị thương. Trong bối cảnh TPHCM đã và đang dồn sức triển khai các biện pháp kéo giảm TNGT, như đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, khắc phục yếu kém về hạ tầng giao thông, chấn chỉnh phân luồng giao thông, ngăn chặn và xử lý nạn đua xe trái phép, phạt nghiêm các hành vi gây mất an toàn giao thông... nhưng số vụ TNGT và số người chết vì TNGT vẫn tăng. TPHCM đang hướng đến việc xây dựng thành phố thông minh, thành phố có chất lượng sống tốt, thì không thể để tiếp diễn tình trạng thiếu bảo đảm an toàn giao thông.

Nếu như thực sự trăn trở, đau lòng vì trên địa bàn của mình có nhiều người chết vì TNGT, thì các chủ tịch UBND quận - huyện kiêm trưởng ban an toàn giao thông quận - huyện đã ý thức đây là cuộc họp quan trọng không thể vắng, và có chuẩn bị ý kiến trình các giải pháp hữu hiệu để giảm TNGT.

Qua sự kiện Chủ tịch UBND TPHCM nghiêm khắc phê bình các trường hợp chủ tịch UBND quận - huyện vắng cuộc họp quan trọng về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, cho thấy chính quyền TPHCM đặc biệt lưu ý trách nhiệm công vụ của cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu; nhấn mạnh vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý của họ trong đơn vị, cụ thể hóa công việc họ đảm nhận, từ lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát đến đánh giá chất lượng công việc của nhân viên cấp dưới. 

Trách nhiệm của cán bộ chính là điều họ phải làm, phải gánh vác, phải nhận lấy về mình và phải làm tròn; là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của từng cán bộ, bảo đảm làm đúng đắn, nếu làm sai trái, kết quả không tốt thì phải chịu hậu quả. Luật Cán bộ - công chức, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Nghị định 157/2007/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ công vụ, đã quy định những nội dung cụ thể và trách nhiệm của người đứng đầu. Khi tham gia hoạt động công vụ, cán bộ phải tuân thủ các nghĩa vụ và có trách nhiệm thực hiện đúng quyền hạn được giao.

Gần đây, dư luận rất khó chịu khi liên tiếp ở nhiều địa phương trong nước có những trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị ký văn bản có nội dung sai trái, nhưng khi bị phát hiện thì trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho người gõ văn bản. Cách giải thích ngụy biện đó không thuyết phục, mà bộc lộ sự yếu kém về năng lực và tư cách cán bộ. Thực tế tại không ít cơ quan, tổ chức, đơn vị có tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nhiệm vụ, hoặc trách nhiệm không rõ ràng, nên dẫn đến tình trạng cán bộ không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, sẽ khắc phục tình trạng vô cảm, trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao. Giải pháp cho vấn đề này là đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước theo hướng từng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm quản lý, điều hành thực thi nhiệm vụ. Cùng với đó, phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính gắn với nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức.

HUỲNH THANH LUÂN

Tin cùng chuyên mục