Trách nhiệm quản lý PCCC đối tượng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Ngày 31-5, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND, quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10-6, có nhiều điểm mới nhằm mục đích quy định trách nhiệm và chỉ rõ những nội dung cần làm để bảo đảm an toàn PCCC tại loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.

* Quyết định quy định điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất gồm các nội dung gì?

* Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (PC07), Công an TPHCM trả lời: Quyết định quy định điều kiện an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất gồm các nội dung về:

- Lối thoát nạn;

- Đảm bảo an toàn trong lắp đặt, sử dụng điện;

- Điều kiện an toàn trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt;

- Bảo đảm an toàn trong sắp xếp hàng hóa;

- Việc lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo; trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.

* Nếu chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân cố tình không thực hiện thì có bị chế tài gì không? Quy định ở những văn bản nào?

* Có, quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.

* Trách nhiệm tuyên truyền phổ biến quy định quyết định và kiểm tra đảm bảo an toàn PCCC đối với các đối tượng này là của ai?

* Tại mục 2, Điều 9 của Quyết định này quy định: UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến quy định này đến các hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi trách nhiệm quản lý; kiểm tra, hướng dẫn, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhà ở riêng lẻ tự giác thực hiện quy định này nhằm đảm bảo an toàn PCCC; kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quy định an toàn PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC theo thẩm quyền.

* Trách nhiệm quản lý PCCC đối với loại hình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là của ai?

* Mục 17 Phụ lục IV Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 phân cấp quản lý về PCCC như sau: Nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì dễ cháy của hộ gia đình có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2 thuộc danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý (diện tích trên 300m2 do cơ quan Công an quản lý theo quy định tại mục 17 Phụ lục III Nghị định 136/2020/NĐ-CP).

Tin cùng chuyên mục