Trách nhiệm và lợi ích toàn xã hội

An toàn giao thông là một trong những nỗi lo lớn nhất của người dân và trong nhiều năm qua, TPHCM đã có sự quan tâm đầu tư về nhiều mặt nhưng kết quả đạt được còn mang tính cục bộ, chưa bền vững. Nguyên nhân nổi lên có cả về cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, công tác quy hoạch chưa tốt, quản lý còn bất cập… nhưng hàng đầu vẫn thuộc về người tham gia giao thông.

Trao đổi với một số chuyên gia trên thế giới, được biết có những nước đã trải qua những năm tháng “đen tối” về giao thông, họ cũng có nhiều kinh nghiệm trong xử lý vấn đề này và cũng đề cập nhiều về vai trò quản lý nhà nước lẫn người tham gia giao thông.

Chuyên gia giao thông của Nhật Bản cho rằng Việt Nam có thể giảm ngay 1/2 số vụ tai nạn giao thông vì có đến 90% số vụ tai nạn giao thông không phải do cơ sở hạ tầng mà do con người (lái ẩu, lái xe khi đã uống rượu bia, vừa lái xe vừa nghe điện thoại hoặc nhắn tin, không đội nón bảo hiểm khi đi xe gắn máy…).

Họ cho rằng không có giải pháp nào lý tưởng và hoàn hảo mà phải đồng thời thực hiện cả 5 việc: phát triển đường sá, cải thiện quản lý giao thông, tăng phương tiện giao thông công cộng, kiểm soát xe cá nhân và nâng cao nhận thức của người dân.

Để cải thiện tình trạng giao thông, khắc phục “thảm họa” về tai nạn giao thông hiện nay, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, vừa trước mắt, vừa lâu dài và trong “Năm an toàn giao thông - 2012”, phải có sự hợp lực lớn, vừa bài bản, vừa quyết liệt, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự gương mẫu của cán bộ, công chức.

Với mục tiêu và 3 nhóm giải pháp (ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông; ngăn chặn, đẩy lùi ùn tắc giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông) trong đó có 15 giải pháp cụ thể, khá toàn diện của UBND TP trong kế hoạch trình cho Hội đồng nhân dân, có thể tạo được sự thống nhất chung, quan trọng là có sự phân công và tổ chức thực hiện đến nơi, đến chốn.

Cần tập trung chỉ đạo thúc đẩy tiến độ các công trình giao thông như tuyến vành đai ngoài, tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, quản lý tốt 23 tuyến đường và 24 vị trí có “điểm đen”, 114 tuyến đường có nguy cơ ùn tắc, phân luồng tuyến hợp lý, lập lại trật tự vỉa hè, dành vỉa hè cho người đi bộ… Những kiến nghị đối với Quốc hội và Chính phủ cũng đã được Hội đồng nhân dân đồng ý. Trong thời gian cấp trên xem xét giải quyết, thành phố cần tăng cường xử lý theo những quy định hiện hành.

Với những động thái tích cực ngay từ những ngày, tháng đầu năm 2012, với phong trào “3 không - 3 có” do UBMTTQ TP phát động cùng việc nhân rộng mô hình tự quản của nhân dân, với những cam kết của tổ chức đoàn, hội, sự chỉ đạo tập trung của các quận-huyện, phường-xã, trường học, sự tham gia của các cơ quan truyền thông… hy vọng sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tham gia giao thông. Cùng với việc phát huy vai trò của các ngành chức năng trong quản lý như quy hoạch, xây dựng, giao thông, giữ gìn trật tự an toàn giao thông… sẽ có những chuyển động cùng chiều cho vấn đề này trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

An toàn giao thông là mối lo chung của chính quyền và người dân, vừa đòi hỏi sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của cơ quan nhà nước, vừa đòi hỏi ý thức chấp hành pháp luật, hành vi văn hóa của người dân. Trách nhiệm và quyền lợi, đòi hỏi và tự đòi hỏi như gắn liền nhau, như đi cùng mỗi người chúng ta thực hiện mục tiêu an toàn giao thông.

Phạm Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục