Dạo qua một số đại lý, trang web bán vé máy bay và so sánh với giá vé cùng kỳ năm trước, có thể thấy mức giá này là cao bất thường, tương đương với giá vé trong dịp Tết Nguyên đán.
Lý do mà các hãng hàng không đưa ra, đây là giai đoạn thấp điểm của ngành hàng không, việc điều chỉnh giảm số chuyến bay là để phù hợp với nhu cầu thị trường và phù hợp với kế hoạch kinh doanh của hãng. Nhưng éo le ở chỗ, chuyến bay thì đã giảm mà nhu cầu đi lại thực tế của hành khách không hề giảm. Nghĩa là các hãng đã giảm việc tăng chuyến mà không căn cứ trên nhu cầu thực tế của thị trường; và khi cung không đủ cầu thì ắt sẽ dẫn đến tăng giá.
Hiện giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông tại Việt Nam đang được quản lý và triển khai thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với cơ cấu nhiều dải giá trên một chặng bay nhưng phải đảm bảo không vượt mức tối đa quy định. Tùy tình hình thị trường, các hãng hàng không được chủ động điều chỉnh, áp dụng các dải giá phù hợp theo kê khai đã gửi tới Cục HKVN, mức tối đa các hãng đã đăng ký là Vietnam Airlines (VNA): 3.150.000 đồng/vé một chiều; Jestar Pacific (JPA): 3.000.000 đồng/vé một chiều; Vietjet Air (VJA): 2.870.000 đồng/vé một chiều.
Vé giá rẻ được các hãng xây dựng trên cơ sở tiết giảm tối đa các chi phí về quản lý vận hành cũng như giảm các điều kiện, tiện nghi, giá trị gia tăng cho hành khách. Theo tính toán của các chuyên gia hàng không, việc giảm chuyến bay và tăng giá vé chắc chắn mang lại lợi ích lớn cho hãng. Lý do là chi phí quản lý vận hành, chi phí khấu hao, thuê máy bay, thuê cơ sở vật chất, chi phí nhiên liệu đã giảm đi rất nhiều.
Lợi ích cho hãng đã rõ, vậy lợi ích của khách hàng sẽ nằm ở đâu, nhất là khi nhu cầu thị trường vẫn cao mà các hãng hàng không lại quyết định giảm số lượng chuyến bay để rồi tăng giá kịch trần.
Theo lãnh đạo Cục HKVN, các hãng hàng không được tự do kinh doanh trong khung giá trần và được chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, trong trường hợp các hãng giảm tần suất bay, tăng giá vé đột ngột làm biến động trên thị trường, gây hoang mang cho hành khách như trong những ngày vừa qua, Cục HKVN sẽ can thiệp bằng cách yêu cầu các hãng tăng chuyến. Thực tế là, sau khi có yêu cầu của Cục HKVN, các hãng đã lên kế hoạch giảm cơn sốt vé trong những ngày sắp tới.
Sự việc này cũng đặt ra vấn đề cần có quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của các hãng hàng không trong việc đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách, làm thế nào để thị trường không bị biến động bởi những quyết định chỉ vì lợi nhuận của các hãng hàng không. Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, các hãng hàng không cũng phải có trách nhiệm với hành khách, với thị trường hàng không, bởi dù sao đây cũng là ngành kinh doanh đặc thù, có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội của mỗi quốc gia.