Là vựa trái cây lớn nhất cả nước, với hàng chục loại trái cây đặc sản nổi tiếng nhưng mỗi năm đến mùa thu hoạch rộ, trái cây ở ĐBSCL vẫn chịu cảnh lép vế so với trái cây ngoại. Nghịch lý này tồn tại lâu nay nhưng vẫn chưa có cách khắc phục.
Điệp khúc vào mùa, rớt giá
Hiện nay, nông dân ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch trái cây với nhiều loại trái đặc sản như: măng cụt, sầu riêng, xoài, chôm chôm… Lượng trái cây cung cấp cho thị trường tăng nên dù mới bước vào đầu vụ nhưng ở nhiều nơi giá trái cây đã bắt đầu giảm mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, trồng măng cụt ở ấp Hòa Thành, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Khoảng một tháng trước, trái măng cụt có giá hơn 100.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 30.000 - 40.000 đồng/kg. Chưa kể năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên măng cụt giảm năng suất phân nửa”. Tương tự ở các nơi khác như Bến Tre, Trà Vinh hay TP Cần Thơ, nhà vườn cũng đang buồn rầu vì măng cụt đã thất mùa lại rớt giá. Đơn cử như ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, nơi có trên 500ha chuyên canh cây măng cụt, nông dân thu hoạch măng cụt chỉ đạt chỉ đạt từ 10 - 11 tấn/ha, giảm 30% so với vụ trước, ước tính thất thu khoảng 25 tỷ đồng.
Cùng cảnh ngộ trên, giá sầu riêng cơm vàng hạt lép ở ĐBSCL cũng đang rớt giá mạnh. Dọc tuyến quốc lộ 1A từ Tiền Giang về Bạc Liêu, sầu riêng được bày bán đầy lề đường với giá từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, giảm từ 15.000 - 25.000 đồng/kg so với tháng trước. Ngoài ra, nhiều loại trái cây bình dân khác như thanh long, ổi, chôm chôm… cũng đang chịu cảnh giá cả tuột dốc nhanh. Tại các chợ ở TP Cần Thơ, Mỹ Tho (Tiền Giang), TP Vĩnh Long thanh long, ổi đổ đống bán đầy vỉa hè với giá 4.000 - 7.000 đồng/kg, bằng 1/3 mức giá cách nay hơn tháng. Trong khi đó, giá mua của nông dân tại vườn hiện chỉ khoảng phân nửa giá bán này.
Trái ngoại tràn lan
Trong khi nhiều loại trái cây đang giảm giá mạnh thì mỗi ngày vẫn có hàng ngàn tấn trái cây ngoại nhập về vựa trái cây ĐBSCL. Ngoài những loại trái cây ngoại “góp mặt” thường xuyên như táo, lê, quýt Trung Quốc, nho Mỹ… hiện trái cây Thái Lan cũng bày bán tràn lan ở các sạp trái cây ở ĐBSCL. Những loại trái Thái Lan đang hút hàng là măng cụt, sầu riêng, bòn bon, me, xoài… Theo ghi nhận, giá trái bòn bon Thái Lan bán tại Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long có giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg; măng cụt từ 30.000 - 40.000 đồng/kg; me Thái 60.000 đồng/kg, sầu riêng Monthong cũng chỉ từ 25.000 – 35.000 đồng/kg. So với các loại trái cây nội cùng loại, mức giá trên chỉ bằng, thậm chí thấp hơn nên các loại trái cây ngoại này đang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, giá trái cây nội nông dân bán tại vườn rất rẻ nhưng do phải qua quá nhiều trung gian như thương lái thu mua, vựa lớn, vựa nhỏ, sạp hàng… khi đến người tiêu dùng, giá trái cây có khi đội lên gấp đôi. Thực tế, trái cây ở nước ta rất phong phú về chủng loại và sản phẩm nhưng cái khó là chưa hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu. Những năm qua, nhiều quy trình sản xuất trái cây an toàn được áp dụng như VietGAP, Global GAP… nhưng vẫn chưa thể phát huy được thế mạnh cho trái cây ĐBSCL. Ông Tư Hài, nông dân huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, từng trồng bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn Global GAP chia sẻ: “Trồng theo mấy tiêu chuẩn trái cây sạch, an toàn rất tốn chi phí, công sức. Thế nhưng, khi không có đầu ra, người dân đem bán ra thị trường cũng không hơn trái cây thường bởi người mua ít ai phân biệt được đâu là trái trồng theo quy trình an toàn, đâu là trái thường. Vì lý do này mà nhiều nông dân chúng tôi thấy nản, không muốn tham gia nữa”. Hiện nay sự liên kết giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp... ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung còn rất lỏng lẻo, ai cũng chỉ muốn giữ lợi nhuận nhiều nhất nên thường xuyên xảy ra tình trạng thương lái ép giá nông dân hay nông dân ém hàng chờ giá… Chính sự thiếu liên kết này đã làm giảm thế mạnh của vùng.
Trái cây ĐBSCL muốn “cất cánh”, đầu tiên là phải làm chủ được thị trường nội; kế đến mới tính chuyện xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường nước ngoài. Để làm được điều này, không chỉ cần có sự hỗ trợ của chính người tiêu dùng, đồng thời Nhà nước cần phải có chính sách thiết thực hỗ trợ nông dân phát triển vùng chuyên canh trái cây với diện tích lớn và các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu trái cây. Qua đó giữ được sự ổn định cho trái cây nội, tránh tình cảnh vào mùa, rớt giá và “lép vế” trên sân nhà như hiện nay.
Đình Tuyển
| |