Trái cây miền Tây sẽ “ngọt hơn”

Nhà vườn ĐBSCL đang tranh thủ cơ hội để cải thiện chất lượng trái cây, tạo sự cạnh tranh với trái cây ngoại tại thị trường nội địa. Đồng thời, từng bước áp dụng các quy trình sản xuất nghiêm ngặt để nắm bắt cơ hội xuất khẩu.
Bưởi da xanh Bến Tre lần đầu tiên được xuất sang thị trường Mỹ. Ảnh: TÍN HUY
Bưởi da xanh Bến Tre lần đầu tiên được xuất sang thị trường Mỹ. Ảnh: TÍN HUY

Những tuần qua, nhiều nhà vườn tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang trúng đậm mùa xoài cát Hòa Lộc, xoài keo. Với 3,2ha xoài, ông Chín Tươi (xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu) đang thu hoạch xoài keo bán cho thương lái tại vườn với giá từ 8.000-14.000 đồng/kg, lợi nhuận cầm chắc vài trăm triệu đồng. Hàng chục nhà vườn ở xã Vĩnh Xương cũng thu hoạch xoài cát Hòa Lộc bán cho thương lái với giá 30.000 đồng/kg. Năng suất xoài cát Hòa Lộc từ 5-6 tấn/ha, nếu mức giá duy trì như hiện nay, nhiều nhà vườn có lãi đáng kể… Hiện, thị xã Tân Châu có gần 700ha trồng xoài, tập trung ở hai xã biên giới Vĩnh Xương, Phú Lộc…

Không chỉ ở  An Giang, nhiều nhà vườn ở  Đồng Tháp cũng đang có những bước tiến trong tiếp cận sản xuất xoài gắn với mã số vùng trổng để cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Hiện Đồng Tháp có gần 42.000ha trồng trái cây thì xoài chiếm 1/3 diện tích với khoảng 14.000ha, trong đó có hơn 300 mã số vùng trồng gắn với gần 6.000ha xoài. Đây cũng là vùng trồng chuyên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu phát triển ngành hàng xoài Đồng Tháp vừa tháo gỡ các điểm nghẽn kỹ thuật, vừa thực hiện phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng, gia tăng chế biến sâu, chế biến công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn ĐBSCL đang tập trung sản xuất theo hướng đạt các chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và các thị trường khó tính khác. Mới đây, thông tin bưởi da xanh chuẩn bị xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Mỹ đã mở ra một cơ hội mới cho nhà vườn miền Tây. Bưởi da xanh là loại trái cây có diện tích tăng nhanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hiện có gần 5.000ha. Ngành nông nghiệp Tiền Giang đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn, cung cấp cho thị trường. Tại xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho, đã có hơn 120ha bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện ngành chức năng địa phương đang khuyến khích người dân chuyển đổi sang trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ cao hướng tới xuất khẩu…

Tại Bến Tre, dự kiến cuối tháng 11-2022 sẽ xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên sang thị trường Mỹ. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), công ty phải mất 5 năm liên kết, phối hợp với 5 HTX sản xuất bưởi trên địa bàn tỉnh sản xuất theo chuẩn VietGAP. Dự kiến, công ty sẽ xuất khoảng 40 tấn bưởi sang thị trường Mỹ. Như vậy, bưởi da xanh Bến Tre là trái cây đầu tiên của ĐBSCL được xuất sang thị trường Mỹ. Trước đó, các loại trái cây của vùng ĐBSCL như xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa cũng được xuất sang những thị trường khó tính ở châu Âu. Theo ông Lâm Văn Lĩnh, Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, sự liên kết với nông dân, HTX xây dựng mã vùng trồng là câu chuyện sống còn của doanh nghiệp trong thời gian tới để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật qua các tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó tiêu chuẩn đầu tiên là thực hành nông nghiệp tốt và có mã vùng trồng rõ ràng để tăng thêm cơ hội xuất khẩu trái cây sang nhiều nước.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), không ít diện tích trái cây ở ĐBSCL tăng thêm là chuyển từ đất lúa kém hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, ĐBSCL có 73.530ha đất lúa chuyển đổi sang cây trồng khác, chủ yếu là cây ăn trái. Hiện nay cả nước có khoảng 1,13 triệu ha cây ăn trái, riêng ĐBSCL có 377.700ha, chiếm 1/3 diện tích. Cây ăn trái ở ĐBSCL đa dạng, mùa nào cũng có thu hoạch; trong đó, các đối tượng cây trồng chủ lực như sầu riêng, thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mít, chuối, chanh… được nông dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất và đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Theo Bộ NN-PTNT, trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 18,8 tỷ USD, tăng 7,2%. Có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, trong đó riêng nhóm hàng trái cây đạt gần 2,8 tỷ USD.

Tin cùng chuyên mục