Trái cây Việt hướng đến xuất khẩu

Người tiêu dùng đang vui vì được thưởng thức nhiều loại trái cây ngon, giá rẻ; thế nhưng, nông dân sản xuất lại trong tâm thế lo lắng bởi chuyện “được mùa, mất giá”.

Để giải được bài toán này, theo các chuyên gia, nhà phân phối hàng hóa nhất thiết phải kết hợp phát triển song song thị phần nội địa với tăng cường xuất khẩu sản phẩm Việt. Muốn vậy, nhà nông cần chuyển đổi hướng canh tác, để đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn và chất lượng toàn cầu. 

Việt Nam có điều kiện phát triển nhiều loại cây ăn quả đặc trưng, giá trị cao

Bấp bênh

Những ngày đầu tháng 10-2018, người dân TPHCM có thể mua thanh long với giá 10.000 đồng/kg. Không riêng gì thanh long, các mặt hàng trái cây tươi khác đều chung “cảnh ngộ” với điệp khúc được mùa, mất giá, dội chợ. 

Hiện các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ đang bước vào mùa vụ thu hoạch các loại trái cây có múi như cam, quýt. Tuy nhiên, thay vì mừng được trúng mùa thì nông dân lại buồn vì giá giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Sánh, canh tác 2ha quýt đường tại xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước, cho biết thương lái vào mua mão hơn 20 tấn quýt trong rẫy nhà ông chỉ với giá 150 triệu đồng, không đủ chi phí chăm sóc vườn cây suốt cả năm chứ đừng nói đến lời. Chưa kể, việc giao vườn cho thương lái vào hái trái còn làm hỏng cây. Tiếc của và xót cây, ông Sánh quyết định hái trái bán lẻ ở chợ địa phương. 

Cũng năm nay, giá quả bơ từ thuận mùa đến nghịch mùa cũng mất giá. Ở thời điểm này năm ngoái, bơ sáp có giá cao ngất ngưởng, từ 65.000 - 80.000 đồng/kg thu mua tại vườn và bán lẻ từ 90.000 - 110.000 đồng/kg; còn năm nay, bơ sáp loại quả tròn (bơ booth) chưa tới nửa giá bơ năm ngoái. Quả thật, đường đi của các mặt hàng nông sản Việt vô cùng gian nan. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu rau quả 3 quý đầu năm 2018 tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017. Theo kế hoạch, xuất khẩu rau quả năm nay dự báo có thể cán mốc 2,5 tỷ USD. Trái cây Việt Nam từng bước chinh phục được những thị trường khó tính. Điều này là cơ hội cho hoạt động sản xuất trái cây trong nước. Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu rau quả đang có chiều hướng tăng nhanh sang các thị trường “khó tính”. Nhiều loại quả đã vào được các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada… Điển hình như Australia đã cấp phép cho trái xoài tươi Việt Nam được nhập khẩu vào quốc gia này. Ngoài Trung Quốc, vải thiều cũng sang đến với người tiêu dùng Singapore, Thái Lan, Australia... Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay chỉ riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 288.000ha cây ăn quả các loại, sản lượng mỗi năm hơn 3,18 triệu tấn quả để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Phát triển trái cây chủ lực 

Triển vọng phát triển của trái cây tươi Việt Nam có thể nói rất khả thi, nhưng vấn đề hiện nay là làm sao tận dụng được cơ hội đó để giúp nâng cao giá trị các loại cây trái và tạo được nền sản xuất bền vững cần có chiến lược dài hạn. Về lâu dài, Bộ NN-PTNT chú trọng phát triển 12 loại trái cây chủ lực gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt. Dự kiến, đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung là 257.000ha, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn trái ở khu vực Nam bộ. Trong đó, vùng ĐBSCL hơn 185.000ha, Đông Nam bộ 72.000ha.

Tại thị trường trong nước, mặt hàng trái cây tươi được các hệ thống siêu thị như Co.opmart, BigC, Lotte Mart... dành hẳn khu vực riêng để trưng bày nhằm tạo thuận lợi cho người dân đến mua. Bên cạnh đó, một số đơn vị bán lẻ cũng từng bước xuất khẩu một số mặt hàng quả, củ tươi.    

Trong hội thảo bàn về vấn đề “Hàng Việt vào ASEAN” vừa diễn ra tại TPHCM, bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành của Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam), cho biết: “Nhiều loại quả của Việt Nam được người tiêu dùng Thái Lan rất ưa chuộng như vú sữa do Thái Lan không trồng được hay trái bơ của Việt Nam có độ béo và ngon hơn bơ trồng tại Thái Lan. Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm trái cây tươi và nông sản Việt sang Thái Lan để tiêu thụ. Trong năm 2018, MM Mega Market có giấy phép xuất khẩu trực tiếp và đã xuất đơn hàng đầu tiên hơn 100 tấn nông sản Việt gồm khoai lang vàng, khoai lang tím, thanh long, trái cây sấy, bánh tráng… sang 700 siêu thị BigC ở Thái Lan. Trong năm 2019, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trái thanh long tươi, khoai lang vào Thái Lan”. 

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, thông tin từ năm 2016 đến nay, thông qua đối tác NTUC Singapore, Saigon Co.op đã xuất khẩu lượng lớn nông sản sạch sang thị trường Singapore với tổng giá trị hơn 6 triệu USD. Nhiều sản phẩm nông sản sạch cũng đang được bày bán khá phổ biến tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Cheers… như thanh long ruột đỏ, thanh long ruột trắng, khoai lang vàng, khoai lang tím, ớt chuông, bưởi Năm Roi, tôm sú hữu cơ, cá da trơn, gạo hữu cơ cùng nhiều mặt hàng thực phẩm công nghệ hữu cơ và đồ gia dụng cơ bản khác. Ông Nguyễn Anh Đức khẳng định, Singapore nói riêng và những thị trường xuất khẩu truyền thống khác của Việt Nam nói chung thường có những rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm rất khắt khe. Với việc thành công trong hoạt động xuất khẩu nông sản Việt thời gian qua cho thấy, nông sản Việt hoàn toàn có chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới. Vấn đề còn lại là cơ quan chức năng, địa phương cần hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng đạt tiêu chuẩn toàn cầu.

Theo chia sẻ của đại diện MM Mega Market, quá trình trồng và thu hoạch sản phẩm cần tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đóng gói theo tiêu chuẩn HACCP. Bởi vậy, ngành cây ăn trái Việt đã đến lúc phải chỉnh đốn lại quy trình sản xuất sao cho đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về sự an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường nhập khẩu. Có như vậy mới tiến ra thị trường thế giới, để không tái diễn tình cảnh “được mùa, mất giá”.

Tin cùng chuyên mục