Trái đất tăng nhiệt chóng mặt

Theo tính toán trong nghiên cứu mới đăng trên chuyên san Viện Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS), nhiệt độ trung bình Trái đất sẽ tăng lên từ 4 - 5°C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp chứ không chỉ là 1,5 - 2°C như dự báo.

 

 

Nhiều nhân tố ngầm

Theo nghiên cứu này, các rừng và đại dương trên Trái đất hiện hấp thụ khoảng hơn 50% lượng khí thải carbon toàn cầu trong vài chục năm qua. Nhưng diện tích rừng ngày càng thu hẹp, các đại dương cũng dần bão hòa lượng CO2 có thể hấp thụ, khiến những vùng hấp thụ CO2 tự nhiên đang yếu dần đi. Trong khi đó, lượng khí methane và CO2 trong lòng đất ở những khu vực tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu tại Nga, Canada hay Bắc Âu tương đương với 15 năm xả thải của con người ở mức hiện nay. Tương tự, lượng khí methane trong tầng nước sâu dưới lòng đại dương, từng được cho là nhân tố tạo ra thời kỳ nóng lên toàn cầu từ nhiều triệu năm trước, cũng rất dễ chịu tác động ở một ngưỡng nhiệt chưa được xác định. Đây đều là những nguồn phát thải khí góp phần đẩy nhanh quá trình ấm lên toàn cầu mà con người không thể chủ động kiểm soát. 

Theo đánh giá, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, thân thiện với môi trường không thấm vào đâu so với tốc độ thay đổi của thời tiết. Góp phần vào tốc độ này là sự biến đổi các quy trình tự nhiên như tuyết rơi, hình thành băng và mực nước biển dâng hay hạ, vốn đều có mối liên kết nội tại vì vậy khi một quy trình bị cản trở và thay đổi thì kéo theo những quy trình khác cũng bị xáo trộn.

Cháy rừng khắp nơi

Cơ quan Cứu hỏa bang California của Mỹ (Calfire) ngày 7-8 cho biết, các đám cháy rừng ở bang này đã nhanh chóng lan rộng và trở thành vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử bang miền Tây nước Mỹ. Theo Calfire, vụ cháy rừng Mendocino Complex (tên gọi chung cho hai đám cháy River và Ranch) đã thiêu trụi khu vực có diện tích 110.850ha, trong khi lực lượng cứu hỏa mới chỉ dập tắt được 30% diện tích đám cháy. Trong khi đám cháy Carr, kéo dài suốt hơn 2 tuần qua ở phía Bắc California cũng đã thiêu rụi trên 62.500ha rừng, phá hủy hơn 1.600 công trình kiến trúc, trong đó có khoảng 1.000 ngôi nhà. Đây được coi là vụ cháy rừng lớn thứ 6 trong lịch sử bang California và hiện vẫn còn nguy cơ lan rộng. 

Lực lượng cứu hỏa mới dập tắt được 30% diện tích đám cháy Mendocino Complex ở California
 Bên kia bờ Đại Tây Dương, hàng loạt nước trên khắp châu Âu cũng hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục. Nhiệt độ cao đã gây ra các vụ cháy rừng, nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa, cuộc sống của người dân bị đảo lộn tại nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Anh. 


Tại Pháp, nhiệt độ trong ngày 6-8 đã lên tới 37°C ở một số khu vực miền Nam, trong khi thời tiết ở miền Bắc được dự báo sẽ nóng lên trong vài ngày tới. Bộ Y tế Pháp khuyến cáo người dân có các biện pháp thích hợp để đối phó với thời tiết cực đoan. Tại Tây Ban Nha, nắng nóng kéo dài suốt nhiều tuần qua đã khiến ít nhất 7 người chết. Nhiệt độ tại quốc gia trên Bán đảo Iberia luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt ở khu vực Tây Nam đã lên tới 40-42°C. Tại Bồ Đào Nha, khoảng 1.100 lính cứu hỏa cùng 160 binh sĩ hỗ trợ cũng đang nỗ lực khống chế vụ cháy rừng ở Monchique, khiến 24 người bị thương. Nhiệt độ tại Bồ Đào Nha hiện vẫn duy trì ở mức 45°C, tuy nhiên đang có xu hướng giảm dần trong những ngày tới. Trước đó, nhiệt độ ghi nhận tại phía Bắc thành phố Lisbon là 46,8°C. 

Indonesia đã triển khai 9 tàu để sơ tán khách du lịch ở 3 đảo nhỏ lân cận Lombok, tính đến tối 7-8 gần 7.000 người đã được sơ tán khỏi các đảo này. Quân đội Indonesia cũng cử một tàu bệnh viện cùng 1 tiểu đoàn quân y mang theo các thiết bị cần thiết để tham gia cứu hộ các nạn nhân bị thương trong vụ động đất hôm 5-8.

Tin cùng chuyên mục