Trái tim bóng đá

VIỆT QUANG

Còn đúng một tuần lễ nữa, trái bóng Beau Jue sẽ chính thức lăn trên các sân cỏ nước Pháp. Trước những nguy cơ khủng bố tiềm ẩn, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và chủ nhà Pháp đều tăng cường các biện pháp an ninh ở mức độ chưa từng có. Cụ thể, UEFA dự chi 34 triệu EUR cho công tác an ninh ở 10 sân vận động diễn ra các trận đấu và những địa điểm liên quan. Khoảng 15.000 nhân viên an ninh của UEFA cùng nhiều thiết bị công nghệ cao cũng sẽ được triển khai tới 10 sân vận động này và hơn 100 địa điểm khác trên khắp nước Pháp. Trong khi đó, giới chức Pháp sẽ huy động lực lượng an ninh hơn 100.000 người để đảm bảo trật tự và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, đồng thời tăng ngân sách từ 10 triệu lên 24 triệu EUR cho các hoạt động đảm bảo an toàn cho cổ động viên (CĐV).

Bất kỳ động thái siết chặt an ninh nào cũng đem lại mối lo ngại cho các CĐV, bởi nước Pháp vốn là tâm điểm chú ý của thế giới với các vụ khủng bố đẫm máu nhắm vào những cơ sở văn hóa - thể thao vào cuối năm trước, đã gây chấn động cả thế giới. Thế nhưng, tuyệt nhiên không ai nhắc đến tình huống sẽ hủy bỏ Euro 2016. Thay vào đó, Chính phủ Pháp tung ra chiến dịch “Chào mừng đến nước Pháp” nhằm thu hút khoảng 2,5 triệu người đến các sân vận động và 7 triệu người khác tham gia những hoạt động ngoài trời tại Euro 2016. 
 
Có đến 31.000 poster quảng bá cho sự kiện được thực hiện trên khắp nước Pháp. Người dân nước chủ nhà muốn thông qua Euro 2016 để một lần nữa khẳng định, với trái tim bóng đá, mọi người có quyền được tận hưởng một mùa hè sôi động mà không phải lo sợ bất kỳ điều gì.

Câu chuyện của nước Pháp nhân mùa Euro được cho là thái độ tích cực khi đối diện với những hiểm họa, những mối lo sợ trong cuộc sống hàng ngày. Không lùi bước trước cái ác, cái xấu mà chủ động đối điện với nó bằng nỗ lực có thể với một tinh thần hướng đến những điều tốt đẹp. Tất nhiên, để có được thông điệp mạnh mẽ ấy, người hâm mộ bóng đá của châu Âu và chính người dân Pháp phải chịu nhiều phiền toái từ những biện pháp an ninh.

Câu chuyện của nước Pháp cũng là một bài học mà cả thế giới cần quan tâm. Ví dụ như Việt Nam, mới đây, khi BTC giải V-League cấm không cho đem các dụng cụ khuếch đại âm thanh vào sân, ngay lập tức đã có sự phản đối, thậm chí thể hiện bằng hành động tẩy chay. Một biện pháp cần thiết của những nhà tổ chức để bảo đảm tính an toàn cho khán đài trong điều kiện khó quản lý hiện nay ở các sân bóng, lẽ ra phải được chấp hành và ủng hộ, thì ngược lại, một nhóm CĐV cho rằng điều đó khiến cho họ “quay lưng” với  V-League. Không thể nhân danh tình yêu bóng đá hoặc quyền tự do để phủ nhận nỗ lực bảo đảm an toàn cho các trận đấu, trong khi bản thân các Hội CĐV vẫn đang hoạt động manh mún, không được thừa nhận chính thức và hầu như không thể tự chịu bất kỳ trách nhiệm nào khi xảy ra sự cố trên khán đài.

Cần phải nhớ rằng, hơn ai hết, các nhà tổ chức Euro 2016 biết rất rõ các trận đấu sắp đến tiềm ẩn rủi ro lớn như thế nào trước các nguy cơ khủng bố. Chỉ có biện pháp tăng cường an ninh tối đa mới có thể tạo nên an toàn cho người xem bóng đá.

Khi nhịp lăn của trái bóng tròn đã là một phần của đời sống xã hội, bản thân những người liên quan phải hiểu rằng cần phải đóng góp vào nỗ lực chung của những nhà tổ chức, đó cũng là cách để niềm đam mê trọn vẹn.


VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục