Trái tim kinh tế thế giới

Theo một đánh giá mới đây của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong những thập kỷ tới, thị phần thương mại quốc tế của châu Âu sụt giảm, trong khi thị phần của các nước ở châu Á-Thái Bình Dương tăng lên.

Theo một đánh giá mới đây của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), trong những thập kỷ tới, thị phần thương mại quốc tế của châu Âu sụt giảm, trong khi thị phần của các nước ở châu Á-Thái Bình Dương tăng lên.

Mạch đập của thời đại sẽ xảy ra ở châu Á. Tốc độ phát triển của các nước trong khu vực này trong 50 năm trở lại đây vô cùng mạnh mẽ. So với Singapore, Kuala Lumpur, Seoul, Tokyo, Thượng Hải… nhiều thành phố ở châu Âu chỉ như một ngôi làng đang chìm vào giấc ngủ. Rất nhiều những thành phố nhỏ của châu Á trước kia giờ đã trở thành những trung tâm phát triển thực thụ. Sự thịnh vượng của châu lục này còn được thể hiện qua mức sống không ngừng tăng lên của người dân, đang vươn tới mức sống của phương Tây.

Để thúc đẩy sự năng động, Mỹ và các nước châu Á khác bắt tay tạo ra một vùng tự do thương mại khổng lồ. Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là một trong những con bài nằm trong chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ. Đây là khu vực mà Mỹ đang dành nhiều sự quan tâm, không chỉ bởi tương lai đầy hứa hẹn của châu Á-Thái Bình Dương mà còn là sự trỗi dậy của Trung Quốc, một đối trọng đáng gờm của Mỹ. Nước Mỹ nhận ra tương lai của mình ở châu Á-Thái Bình Dương và bảo vệ điều đó không chỉ với các hiệp ước kinh tế mà còn là những liên minh quân sự và các căn cứ quân sự trong khu vưc. Trong khi số lượng quân Mỹ trên phạm vi toàn thế giới bị cắt giảm, tàu chiến rút lui bớt thì Washington lại tăng cường lực lượng của mình ở Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sự năng động của châu Á-Thái Bình Dương có được là nhờ tác động tương hỗ giữa  cạnh tranh và hợp tác. Ví dụ như Trung Quốc và Mỹ, một mặt cạnh tranh nhau về kinh tế và địa chiến lược, nhưng mặt khác, nền kinh tế của hai ông lớn cũng liên quan, phụ thuộc vào nhau. Nhiều tập đoàn thương mại của Mỹ như Walmart kiếm bộn tiền nhờ hàng nhập khẩu “Made in China”, trong khi Trung Quốc sống nhờ vào khách hàng Mỹ. Trung Quốc có lượng dự trữ USD khổng lồ và là một trong những chủ nợ lớn của Mỹ. Điều đó dẫn đến tình trạng hai đối thủ chiến lược này bị cài chặt với nhau về kinh tế, chỉ có thể cùng nhau hành động, hầu như khó có thể chống lại nhau.

Nhờ vào tác động tương hỗ đó, ai cũng được hưởng lợi từ sự hưng thịnh của khu vực. Đối với Australia, Trung Quốc là đối tác thương mại còn quan trọng hơn cả Mỹ. Khoảng 18% hàng nhập khẩu vào Australia là của Trung Quốc, trong khi gần 30% hàng xuất khẩu của xứ sở chuột túi, chủ yếu là nguyên vật liệu, chảy vào Trung Quốc. Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Australia còn đến Nhật khoảng 20% và Hàn Quốc 8%. Nếu như sản xuất công nghiệp ở châu Á sụt giảm, nhu cầu nguyên vật liệu cũng giảm theo, kinh tế Australia sẽ gặp vấn đề lớn. Mức sống cao ở Australia phụ thuộc rất nhiều vào sự hưng thịnh kinh tế ở miền Đông châu Á.

Trong khi Australia là nước cung cấp nguyên vật liệu quan trọng thì những trung tâm như Hồng Công (Trung Quốc) và Singapore đảm nhận vai trò kinh tế tài chính. Có thể nói, việc châu Âu đang vật lộn với những khó khăn hiện tại cho thấy thời kỳ lục địa già tự hào là tâm điểm của thế giới đã qua đi. Châu Á-Thái Bình Dương sẽ là trái tim kinh tế thế giới, nơi mà mỗi nhịp đập lan tỏa sự thịnh vượng.

MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục