Nếu muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi vì sao Euro lại hấp dẫn người hâm mộ bóng đá đến thế dù suốt năm đã “no, say” các giải đấu ở Anh, Tây Ban Nha… thì hãy quan sát những lần hát quốc ca của các đội bóng. 31 trận đấu là 682 gương mặt khác nhau được ống kính truyền hình lấy cận cảnh. Không lúc nào giống lúc nào. Cũng vì thế mà đã không ít cầu thủ gặp rắc rối chỉ vì không thuộc lời quốc ca hay không chịu hát.
Sự khác biệt của bóng đá cấp CLB và đội tuyển nói dài dòng nhưng gói gọn chỉ chừng 5 phút hát quốc ca ấy. Chơi bóng cho đội tuyển là đem cả tinh thần của một quốc gia vào trong trận đấu. Chưa bao giờ mà người ta nói về tinh thần dân tộc nhiều như ở kỳ Euro lần này. Các cầu thủ giờ gánh lên vai mình cả sự kỳ vọng để đem một “ốc đảo hạnh phúc” cho người dân nước mình ở thời buổi nợ nần đang đè lên vai nhiều quốc gia châu Âu. Trong lúc khó khăn, một nụ cười thôi cũng xóa đi bao cơn phiền muộn. Vậy mới hiểu tại sao có nhiều triệu phú đá bóng khao khát được gọi vào đội tuyển quốc gia và sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để mưu cầu thành công chung cho đội bóng.
Nhưng nói như thế cũng để thấy rằng bất cứ đội tuyển quốc gia nào khi ra sân cũng có một sức mạnh tinh thần như nhau. Không ai hơn ai cả. Ai cũng có niềm tự hào dân tộc. Ai cũng có khát vọng hạnh phúc cho mình và gia đình. Thế nên, thắng thua trong bóng đá nằm ở đẳng cấp và sự thể hiện trên sân.
Nhìn Euro để nói chuyện thể thao nước nhà, đặc biệt là bóng đá. Bởi bấy lâu nay, cứ hễ đội tuyển chúng ta chiến thắng lời khen đầu tiên bao giờ cũng là tinh thần thi đấu. Cứ như thể mỗi mình chúng ta sở hữu yếu tố đó và cứ như thể, chỉ cần có sức mạnh tinh thần là có thể thành công. Rồi cứ mỗi lần thất bại, dư luận lại có thói quen sa đà vào chuyện tiêu cực như sự bạc nhược tinh thần hay những nghi ngờ ngoài chuyên môn như bán độ chẳng hạn. Rất ít khi chúng ta nhìn thẳng vào sự thật đó là chúng ta thua vì mạnh hoặc yếu hơn đối phương.
Còn nữa. Chẳng đâu như ở ta, việc rút lui khỏi đội tuyển dễ đến mức ngạc nhiên. Đương nhiên, đã xin về thì phải cho về nhưng tại sao cứ lên tập trung rồi lại tìm đủ lý do để về lại CLB, trong khi theo lẽ thường là phải tranh đấu để tìm được một suất lên tuyển. Theo một thống kê, trong 10 năm gần đây, số cầu thủ xin về đủ thành lập một đội tuyển quốc gia bởi đa số đều là ngôi sao.
Phải chăng vì những yếu tố không giống ai đó mà đến nay, đội tuyển quốc gia luôn làm người hâm mộ thất vọng khi chưa xác định được đẳng cấp của mình. Ví dụ như hiện nay, còn chưa tìm được HLV trưởng nội cho AFF Cup vào cuối năm nay. Cũng hoàn toàn chưa có một hệ thống chuyên gia chỉ để phục vụ cho đội tuyển, chưa có lối chơi mang bản sắc và thậm chí, cũng chưa có quy chế rõ ràng về việc thực hiện nghĩa vụ quốc gia.
Vì những thứ mà 20 năm qua vẫn chưa bao giờ có đó nên cứ mỗi lần đi thi đấu, người hâm mộ lại cứ phải hy vọng vào yếu tố tinh thần thay vì đặt niềm tin vào trình độ chuyên môn và đẳng cấp thi đấu.
VIỆT QUANG