Trạm Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé: Từ cầu tàu ra cổng cảng

Việc đề xuất thí điểm thực hiện kiểm tra, giám sát thuyền viên dời từ cầu tàu đến cổng cảng là một quá trình dài của Trạm Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé (gọi tắt là Trạm Bến Nghé, trực thuộc Biên phòng Cảng Sài Gòn)…
Trạm Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé: Từ cầu tàu ra cổng cảng

Việc đề xuất thí điểm thực hiện kiểm tra, giám sát thuyền viên dời từ cầu tàu đến cổng cảng là một quá trình dài của Trạm Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé (gọi tắt là Trạm Bến Nghé, trực thuộc Biên phòng Cảng Sài Gòn)…

Cán bộ chiến sĩ Trạm Bến Nghé tuần tra tại cầu tàu. Ảnh: B.PH

Cán bộ chiến sĩ Trạm Bến Nghé tuần tra tại cầu tàu. Ảnh: B.PH

Giảm quân số trực chiến

Việc dời vị trí kiểm tra, giám sát từ cầu tàu ra cổng cảng đã giảm bớt phiền hà cho tàu ra vào cảng rất nhiều. Trung tá Trịnh Quốc Dũng, Phó Trạm trưởng nghiệp vụ, Trạm Bến Nghé, cho biết: “Công tác kiểm soát người lên tàu cần phải có một vị trí kiểm soát hợp lý. Việc triển khai thực hiện quy trình kiểm soát theo khu vực cũng như việc đặt bục kiểm soát tại cầu tàu hoặc tại các khu vực khác trong khu vực cảng đã được nghiên cứu khảo sát thực tế nhưng không mang lại kết quả vì nhiều nguyên nhân khác nhau”.

Đặc trưng cầu tàu tại các cảng ở TPHCM không dài, nếu bố trí một bục quan sát ngay ở cầu tàu sẽ vấp phải phản ứng từ các doanh nghiệp do họ cho rằng bị cản trở trong lúc lên xuống hàng. Trong khi đó, nếu để bục kiểm soát tại cầu tàu, đòi hỏi mỗi ca trực phải có đến 4 quân số. Một ngày 3 ca liên tục, quân số trực cầu tàu lên đến 12 người, trong khi việc tinh giản thủ tục, giảm bớt sức người đang thực hiện ở nhiều ngành.

Từ thực tế trên, Ban Chỉ huy Trạm Bến Nghé đã đề xuất Biên phòng Cảng Sài Gòn cho thực hiện việc áp dụng công nghệ thông tin và dời vị trí kiểm soát ra ngay cổng cảng. Như vậy, thay vì quản lý thuyền viên, hàng hóa lên xuống tàu ngay tại cầu tàu, Trạm Bến Nghé đã “dời” việc quản lý đó ra cổng cảng và qua hệ thống máy vi tính (thay vì viết tay giấy lên xuống tàu như trước đây).

Việc áp dụng cách làm mới này vừa thuận tiện cho các doanh nghiệp hàng hải, thuyền viên lên xuống tàu, vừa giảm bớt số lượng cán bộ trực tại cầu tàu. Ngoài ra, để khắc phục việc bục kiểm soát đặt xa cầu tàu khiến nhiều tàu có cơ hội ra vào cảng trái phép, Trạm Bến Nghé bố trí lực lượng tuần tra trên sông để kịp thời phát hiện và xử phạt tàu vi phạm.

Quản lý chặt chẽ, dễ dàng

Sau khi bục kiểm soát được dời ra cổng cảng, việc trình báo lên xuống tàu của thuyền viên chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Trung tá Phạm Văn Vưng, Trạm trưởng Trạm Bến Nghé cho biết: “Lúc trước, thuyền viên muốn lên xuống bờ phải tìm nơi đăng ký rất mất thời gian. Lắm lúc, từ nơi tàu neo đậu đến nơi trình báo rất xa. Bây giờ mọi việc dễ dàng hơn khi chuyển ra cổng cảng. Qua việc phát thẻ đeo lên, xuống tàu, quét thẻ có mã vạch, việc quản lý đã trở nên chặt chẽ và dễ dàng hơn”.

Việc quản lý bằng công nghệ cao đã góp phần nâng cao vị thế của người chiến sĩ biên phòng trong mắt doanh nghiệp trong nước và chủ tàu, thủy thủ nước ngoài. Tháng 4-2009, Nghị định 50/CP về quản lý, bảo vệ an ninh trật tự tại cửa khẩu cảng biển ra đời và những việc làm thí điểm tại Trạm Bến Nghé rất phù hợp với nghị định này.

Theo đánh giá của nhiều cán bộ nhân viên Cảng Bến Nghé, việc dời bục kiểm soát từ cầu tàu ra đến cổng cảng đã tạo môi trường thông thoáng, giao thông thuận tiện để các tàu dễ dàng bốc dỡ hàng hóa, neo đậu. Mặt khác, công tác phối hợp kiểm tra, phát hiện sai phạm cũng khá dễ dàng và đạt hiệu quả cao. Tuy đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng Trung tá Trịnh Quốc Dũng vẫn mơ ước: “Để nâng cao hơn nữa công tác nghiệp vụ, phù hợp với xu thế phát triển của các nước, tôi mong mỏi một ngày nào đó, chúng ta sẽ đủ điều kiện lắp camera quan sát tại khu vực cầu tàu để giảm bớt hơn nữa quân số, sức lực và tăng thêm khả năng kiểm tra, giám sát”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục