Trưởng ban thư ký về biến đổi khí hậu của LHQ (UNFCCC), ông Yvo de Boer, ngày 19-2 tuyên bố sẽ từ chức. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7. Ông Yvo de Boer nhậm chức từ tháng 9-2006 trong bối cảnh thế giới đứng trước sức ép về một kế hoạch cắt giảm khí thải khẩn cấp để cứu trái đất khỏi tác hại của biến đổi khí hậu.
Do đó, nhiệm vụ của ông xem ra thật nặng nề với vai trò đầu tàu trong kế hoạch điều phối cắt giảm khí thải. Thế rồi Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu Copenhagen tháng 12-2009 (COP 15) thất bại do không có một hiệp ước ràng buộc cắt giảm khí thải cụ thể. Từ đó, sự chỉ trích nhắm vào UNFCCC ngày càng nhiều, trong đó có vai trò của người đứng đầu UNFCCC.
Tờ The Christian Science Monitor của Mỹ viết rằng quyết định từ chức của ông Yvo de Boer không gây ngạc nhiên đối với những ai có liên hệ với UNFCCC và đặc biệt là những người từng tham dự COP 15. Tờ báo này dẫn lời ông Jake Schmidt, giám đốc chính sách khí hậu quốc tế thuộc Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Mỹ cho rằng, thất bại của COP 15 đã gây tổn hại uy tín cá nhân với ông.
Riêng bản thân mình, mặc dù bác bỏ việc từ chức là do vỡ mộng với COP 15, ông de Boer cũng bày tỏ thất vọng về kết quả của hội nghị này: “COP 15 không phải là những gì tôi từng mong đợi. Chúng ta chỉ còn cách một hiệp định chính thức 1 inch. Điều đó hoàn toàn trong khả năng của chúng ta nhưng đã không xảy ra”. Ông de Boer sẽ đảm nhiệm vị trí cố vấn tại Công ty Tư vấn kiểm toán KPMG với nhiệm vụ liên quan đến vấn đề phát triển bền vững.
Sự ra đi của ông de Boer diễn ra giữa lúc có nhiều câu hỏi đặt ra về vai trò của UNFCCC. Nhiều người cho rằng cơ quan này quá cồng kềnh và hoạt động thiếu hiệu quả trong việc đàm phán các hiệp định quốc tế mang tính chất bắt buộc. Nhiều quan chức Mỹ chỉ thẳng ra rằng họ mong đợi một lãnh đạo mới kế nhiệm ông de Boer sẽ có biện pháp cải tổ để UNFCCC gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn.
Có vẻ như Mỹ và một số chính phủ các nước phát triển - những nước không chịu cắt giảm khí thải như được yêu cầu - dẫn đến thất bại của COP 15, đã tìm được người để đổ lỗi.
Giáo sư David Victor thuộc Trường Quan hệ quốc tế, Đại học California ở San Diego, nói: “Ông de Boer đã thực hiện một công việc rất tốt trong tình thế bất khả kháng. Nhưng người đứng đầu UNFCC chỉ đủ mạnh khi các chính phủ thành viên giúp sức. Tuy nhiên, các chính phủ thành viên cho đến nay cho thấy họ chưa có một cuộc chơi sòng phẳng với ông”.
Quả thật như vậy, những gì người ta nhìn thấy ở COP 15 là sự chia rẽ giữa các nước, trong đó lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế trước mắt, thái độ thiếu trách nhiệm của từng quốc gia riêng rẽ đã chiến thắng trước lợi ích chung toàn cầu.
Khánh Minh