Cốm dẹp là đặc sản độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Gắn với món ăn ngon này là lễ hội truyền thống Ok Om Bok hay còn gọi lễ hội cúng Trăng của đồng bào Khmer. Nhiều người kể rằng, hương nếp mới làm ra cốm dẹp để cúng Trăng là tạ ơn đất, trời đã mang lại mùa màng bội thu và tiếp sức cho nông dân bước vào mùa vụ mới…
Vào mùa lễ hội Ok Om Bok, nếu ai có dịp về huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) hãy đến thăm làng cốm dẹp Ba So, ở xã Nhị Trường để hòa vào nhịp chày “cắc cum, cắc cụp…” vang đều từ tờ mờ sáng.
Ông Thạch Rươn, Bí thư chi bộ ấp Ba So (xã Nhị Trường), kể: “Nghề cốm dẹp ở đây có hơn 100 năm, chủ yếu người trước truyền lại cho người sau. Làng nghề có 31 hộ sản xuất, trong đó khoảng 20 hộ hoạt động quanh năm. Làng nghề thật sự nhộn nhịp khi gần đến mùa lễ hội Ok Om Bok”. Cốm dẹp Ba So ngon do làm từ nếp sáp, vì nếp sáp dẻo, thơm hơn nếp thường. Rang cốm dẹp cũng phải dùng nồi đất, cối quết cốm dẹp phải bằng chày cây. Ở làng nghề này cứ vào tháng 9, tháng 10 âm lịch thì từ tờ mờ sáng tiếng giã cốm dẹp đã rộn rã cả làng. Thức sớm từ 4 giờ sáng đến 15 giờ chiều để giã được nhiều cốm nhằm giao hàng đúng giờ cho thương lái.
“Một kíp thợ giỏi 4 người giã được 3 - 4 giạ cốm dẹp, mỗi giạ bán được 350.000 đồng (nếu nếp do thương lái cung cấp) mỗi giạ người giã nhận tiền công 100.000 đồng. Bình quân sau khi trừ chi phí mỗi người thu nhập 70.000 - 80.000 đồng/ngày, chủ yếu lấy công làm lời” - ông Thạch Chánh, người có trên 25 năm làm nghề ở làng cốm dẹp ấp Ba So bật mí.
Một trong những công đoạn chế biến cốm dẹp Ba So.
Từ chỗ là vật phẩm dâng cúng thần linh của người Khmer, cốm dẹp dần được cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh ưa chuộng. Ngày nay đường sá đi lại dễ dàng nên sản phẩm của người Ba So “đi xa” không chỉ trong huyện Cầu Ngang mà đã vươn ra toàn tỉnh Trà Vinh, có mặt tại các siêu thị, khách sạn, nhà hàng lớn ở TPHCM…
Ông Thạch Khum, một lão nông ở làng nghề tự hào cho biết, không chỉ được tiêu thụ trong nước, cốm Ba So đã “bay” ra cả nước ngoài và được người thưởng thức rất ưa chuộng. Nếu cốm dẹp Phù Ly (xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) vang danh khắp nơi, thì ở Cầu Ngang (Trà Vinh) có làng cốm dẹp Ba So nổi tiếng ĐBSCL và cả nước. Có điều lạ ở làng cốm này, trong 31 hộ hành nghề có hơn 50% hộ nhận giã cốm gia công cho thương lái.
Giải đáp nỗi băn khoăn này, ông Thạch Rươn phân trần: “Ấp Ba So có 282 hộ dân thì có đến 75 hộ nghèo và phần lớn hộ làm nghề cốm dẹp là những hộ nghèo. Do tính chất sản xuất theo mùa vụ, bà con lại thiếu vốn, sản xuất nhiều nhưng không nơi tiêu thụ nên phần lớn bà con chỉ làm theo đơn “đặt hàng” của thương lái. Sau mùa lễ hội, một ít hộ duy trì sản xuất cung ứng cho khách hàng quen, còn lại phần lớn số hộ bỏ nghề đi làm thuê tận Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM…”.
Trong nền kinh tế hội nhập mọi sản xuất cái gì cũng có thể “công nghiệp hóa”, song các công đoạn làm cốm dẹp của người Khmer Ba So vẫn theo dạng thủ công. Cùng vì cung cách sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết nên dù đã hình thành và phát triển cả trăm năm nhưng đời sống của các hộ dân làng nghề vẫn chưa khá hơn.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống lâu đời của cha ông để lại, làng nghề cốm dẹp Ba So mong đợi sự hỗ trợ từ nhiều phía. Trong đó, ngoài chính sách hỗ trợ vốn ưu đãi, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu làng nghề, tìm thị trường tiêu thụ để thúc đẩy làng nghề phát triển ổn định, nâng cao đời sống người dân.
Mô hình “mỗi làng, một nghề” do Bộ NN-PTNT khởi xướng đang thổi vào làng nghề nông thôn một luồng gió mới. Theo ông Nguyễn Trung Hoàng, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, để người dân “ly nông bất ly hương” ở làng nghề cốm dẹp Ba So thì rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các ngành chức năng. Huyện cũng đang phối hợp cùng các ngành chức năng tìm giải pháp hỗ trợ cho bà con ở làng nghề, bởi đây là đặc sản truyền thống cần được bảo vệ…
ĐÌNH CẢNH