Tôi đến thăm ông Nguyễn Hữu Tranh, 73 tuổi, người được mệnh danh là “cuốn từ điển sống” về Đà Lạt học, để trò chuyện về 120 năm của vùng đất này. Hỏi cuốn từ điển ABC về Đà Lạt làm xong chưa, ông cười hiền bảo tiếc quá, cuối cùng kế hoạch không hoàn thành.
“Ngày trước, cứ đều đặn tầm 10 giờ tối tôi đi ngủ, 3 giờ sáng thức dậy đọc, viết nên công việc tiến triển. Dạo này giấc ngủ lộn xộn, có khi 9 giờ tối tôi đã đi ngủ, 12 giờ đêm, 1 giờ sáng đã thức dậy rồi cứ trằn trọc mãi, người mệt mỏi nên không làm việc được nhiều. Thôi thì tùy duyên vậy!”, ông Nguyễn Hữu Tranh phân trần. Rồi ông đọc bài kệ vân Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông, người sáng lập thiền phái Trúc lâm Yên Tử:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Trước cảnh vô tâm chớ hỏi thiền).
Cũng bắt đầu từ cơ duyên, 3 giờ 30 chiều 21-6-1893, bác sĩ - nhà thám hiểm Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lang Biang, tạo một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển Đà Lạt, góp phần biến Đà Lạt từ một vùng đất hoang sơ của người Lạch thành một thành phố nổi tiếng có tên trong nhiều quyển từ điển bách khoa trên thế giới. 120 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh của bác sĩ - nhà thám hiểm Alexandre Yersin, của Đà Lạt năm xưa vẫn sống mãi trong tâm tư, tình cảm người Đà Lạt. Tìm hiểu về Đà Lạt năm xưa là niềm thích thú của không ít người Đà Lạt và du khách một lần đặt chân lên thành phố trên cao nguyên này.
Điều gì làm nên bản sắc Đà Lạt? Trước hết là cảnh quan, sương mù bảng lảng giăng huyền ảo trên những đồi thông làm lòng người đa cảm; cái lạnh se se khiến người ta phải ăn mặc kín đáo, sống thâm trầm, có nhu cầu tìm đến nhau; không gian tinh sạch, thơm tho của nhựa thông tỏa khắp không gian khiến tâm hồn người thơ thới để nghĩ và làm những chuyện tao nhã…
Tiếp đến là con người. Người Lạch, Chil, K’ho… bản địa sinh sống đã ngàn đời đến độ làm nên địa danh Đà Lạc nghĩa là vùng rừng thưa của người Lạc (Lạch), rồi biến âm thành Đà Lạt trong thư tịch của người Pháp và tồn tại đến tận ngày nay. Người Pháp theo chân bác sĩ - nhà thám hiểm Alexandre Yersin lên khám phá, chinh phục để xây dựng một thành phố nghỉ dưỡng ở xứ sở thông reo. Người Huế vào Đà Lạt, chồng làm công chức, vợ buôn bán. Người Quảng vào làm đường rồi chọn nơi này làm chốn an cư. Người Hà Nội di dân vào lập ấp trồng hoa, rau. Người Ninh Bình, Thái Bình… di cư sau năm 1954 cũng nhiều người lên phố núi. Khi đường Sài Gòn - Đà Lạt liên thông thì người Sài Gòn, người lục tỉnh cũng rủ nhau lên đất sương mù để học tập, làm ăn… Cả chục cộng đồng dân cư ấy hòa quyện với đất trời, thành người Đà Lạt nhưng cũng vẫn bảo tồn được bản sắc tộc người.
Ông Nguyễn Hữu Tranh hứng thú kể rằng, tình làng nghĩa xóm ở Đà Lạt đậm đặc lắm. Mỗi dịp cưới xin, ma chay, giỗ chạp… bà con phố, ấp chung tay chia sớt khó khăn hay nhân lên niềm vui làm nên bản sắc vùng miền, cố kết tinh thần cộng đồng. Và cuối cùng, dù là người ở đâu, đến Đà Lạt với lý do gì thì khi sống ở đất này với sơn lam chướng khí, với cái lạnh từ se se đến se sắt, người ta buộc phải tìm đến nhau để nương tựa, làm nên bản tính hiền hòa, đa cảm, bao dung, độ lượng. Sương mù, khí hậu mát lạnh quanh năm buộc người ta phải ăn mặc kín đáo rồi từ đó hình thành phong cách sống đĩnh đạc, lịch sự.
Khí hậu góp phần làm nên hồn cốt Đà Lạt. Thế nên, khi biết tin Đà Lạt đang nóng lên thì ai cũng buồn lòng. Theo ghi nhận của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, nhiệt độ trung bình năm từ năm 2003 đến năm 2012 của TP Đà Lạt dao động từ 17,7°C - 18,6°C. Nhiệt độ trung bình mỗi năm lên - xuống trong khoảng 0,2°C; riêng từ năm 2004 - 2005, 2009 - 2010 và 2011 - 2012 nhiệt độ trung bình năm chênh nhau 0,4°C. Điều đáng chú ý là từ năm 2009 - 2012, nhiệt độ trung bình năm tăng, giảm khá thất thường. Cụ thể, năm 2009, nhiệt độ ở mức 18,2°C, đến năm 2010 tăng lên 18,6°C và sụt xuống 18,1°C trong năm 2011, đến năm 2012 lại nhảy vọt lên 18,5°C. Chênh lệch giữa nhiệt độ cao nhất và thấp nhất bình quân từ 8°C - 10°C trong những năm trước đây, nay tăng lên từ 12°C - 15°C. Khí hậu điều hòa, mát mẻ, trong lành - tài sản lớn nhất của Đà Lạt đang bị đe dọa chưa từng có.
Rõ ràng sự tăng, giảm thất thường và biên độ dao động của nhiệt độ trung bình giữa các năm ngày càng tăng. Sở dĩ có hiện tượng này, ngoài việc nóng lên của khí hậu toàn cầu, thì việc “tàn sát” rừng thông để lấy đất trồng trọt, xây dựng, đốt thảm cỏ thực vật, xả rác bừa bãi gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước… mà một số người Đà Lạt và một bộ phận du khách thiếu ý thức đã làm bấy lâu nay, là một tác nhân quan trọng.
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, bố tôi đi tu nghiệp ở Học viện Lục quân Đà Lạt. Nhớ về thành phố nhỏ xinh, tinh sạch, ông bảo đi đôi giày da cả tháng không cần đánh mà vẫn bóng. Nay thì tôi lên Đà Lạt lúc sáng, đến chiều cổ áo đã đen, quần áo, giày dép đã phủ một lớp bụi dày. Đường sá thì nhiều chỗ mấp mô, bụi mù, đi phát ngán.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh MPK (Nguyễn Văn Phước) than thở bây giờ đi tìm sương mù mà chụp ảnh cũng khó. Anh nhớ lại: “Thuở nhỏ, ngồi trong lớp học lúc bảy giờ, tám giờ tôi phải hà hơi vào lòng bàn tay mới cầm bút được. Sáng sớm sương mù giăng kín, đi cách nhau chừng chục mét là không thấy nhau. Nhưng rồi sương mù cũng bắt đầu mỏng đi và ít dần từ năm 1993 - 1994. Khí hậu ở Đà Lạt bắt đầu biến đổi, không còn dễ chịu như xưa. Trước đây, người Đà Lạt chỉ cần nhìn hoa nở là biết mùa gì đang đến. Mai anh đào nở báo hiệu Tết Dương lịch, hoa đổng thảo nở báo mùa mưa đến, hoa quỳ nở mang mùa nắng về. Từ năm 2000 trở đi, hoa muốn nở lúc nào thì nở. Rất nhiều năm, hoa quỳ nở rồi mà trời vẫn còn mưa. Các mùa bây giờ sai hết”.
Nhắc đến Đà Lạt, trong tâm tưởng ai cũng gợi nhớ hình ảnh “đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông”. Thông hiên ngang vươn lên trời xanh, reo vi vút suốt bốn mùa là một bộ phận cấu thành của thiên nhiên Đà Lạt, văn hóa Đà Lạt. Ấy thế mà theo thống kê, từ năm 2005 - 2010, có đến 108ha rừng thông tự nhiên biến mất với cấp độ ngày một gia tăng. Nếu năm 2006 chỉ có 1,9ha rừng thông bị chặt thì đến năm 2010 vọt lên 18,6ha, nhiều hơn gấp 10 lần. Đầu năm 2013, Công ty TNHH MTV Dịch vụ đô thị Đà Lạt chỉ tiến hành kiểm kê được 8.021 cây thông ba lá ở độ tuổi trưởng thành (đường kính gốc từ 20cm trở lên) thuộc rừng nội ô TP Đà Lạt để gắn số nhằm phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ.
Giáo sư - tiến sĩ - kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, tỏ ra tiếc nuối khi thấy “nhan sắc” Đà Lạt đang tàn phai, nói khác hơn là Đà Lạt đang đánh mất cái mình đang có. Ông cho rằng Đà Lạt đang lớn mạnh nhưng sẽ trở thành như bất kỳ thành phố nào khác ở nước ta, không còn đặc trưng riêng. Mất thông, Đà Lạt không còn là phố trong rừng - rừng trong phố nữa.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, lâu nay những điều người ta ta thán quá nhiều về Đà Lạt quanh đi quẩn lại vẫn là biệt thự Pháp bị bỏ hoang, rừng nội đô mất, ít sương mù… Cứ như Đà Lạt chẳng còn gì đáng nói cả. Đà Lạt đâu chỉ quẩn quanh hồ Xuân Hương với bán kính chừng dăm cây số như thế. Chịu khó đi chừng 30km về phía nào cũng có cái hay, vẫn vẹn nguyên Đà Lạt. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (thuộc địa phận các xã Lát, Đa Sar, Đa Nhim, Đa Chais, Đưng K’Nớh, thị trấn Lạc Dương của huyện Lạc Dương và xã Đa Tông, huyện Đam Rông) là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, có diện tích 66.067,47ha. Qua khảo sát, các nhà khoa học đã ghi nhận được 1.933 loài thực vật và 398 loài động vật.
Những đồi trà xanh ngút mắt ở độ cao 1.650m so với mực nước biển làm nên vùng trà Cầu Đất (thuộc địa phận các xã Xuân Trường và Trạm Hành của TP Đà Lạt) với tập quán canh tác độc đáo của bà con nông dân để cho ra đời những loại trà tuyệt hảo không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Đức… Người Hà Lan khai phá vùng trà Cầu Đất vào năm 1922, đến năm 1926 thì người Pháp lập Sở trà Cầu Đất, rồi từ đó cây trà bén rễ, lan tỏa ở Cầu Đất rồi xuống các huyện Bảo Lộc, Di Linh… biến tỉnh Lâm Đồng thành vùng trà có diện tích lớn nhất cả nước. Cây trà, văn hóa trà là một dấu ấn không thể phai mờ của Đà Lạt, Lâm Đồng.
Hay chỉ cần đi 20 cây số thôi, dưới chân núi Lang Biang là những buôn làng của người Lạch, Chil… với nhà dài truyền thống, với tiếng cồng chiêng, điệu múa, lời ca đại ngàn vẫn tối tối vang lên rộn rã bên ánh lửa bập bùng xua đi sương lạnh. Rồi các làng hoa, làng rau ở đâu cũng có với cuộc sống của người trồng hoa đẹp hơn hoa. Rất nhiều tiềm năng để ngành du lịch Đà Lạt khai thác và làm du khách phải trầm trồ. Nhưng bấy lâu nay, một mô hình du lịch cộng đồng cũng chưa có mặt ở đất này. Thật đáng tiếc!
Khí hậu mát mẻ, thiên nhiên tươi đẹp suốt 120 năm dường như làm người Đà Lạt và du khách đến Đà Lạt cũng kém năng động, ngại khám phá thì phải. Thế thì nay, khí hậu nóng lên, sương mù hiếm gặp… biết đâu lại là một “cú hích” để người ta tìm những nét thú vị mới ở Đà Lạt.
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG