Trạm Xanh

“Quần áo cũ/rác thải điện tử/pin đã qua sử dụng… đi về đâu?”. Câu trả lời sẽ tìm thấy qua các bộ phim chia sẻ cụ thể về từng hành động nhỏ để góp phần giảm rác thải ra môi trường, lan tỏa lối sống xanh với mọi người. Người trẻ ngày càng linh hoạt hơn trong việc chia sẻ, kể chuyện để hình thành một thói quen sống xanh trong cộng đồng.
Một buổi học tái chế quần áo jean thành các vật dụng khác tại Trạm Xanh (chụp ở thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát)
Một buổi học tái chế quần áo jean thành các vật dụng khác tại Trạm Xanh (chụp ở thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát)

Tiết kiệm và tái chế

Kết thúc buổi chiếu phim tài liệu chủ đề “Quần áo bạn mặc sẽ đi về đâu?”, Phan Thị Hồng Hạnh (22 tuổi, ngụ quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Trước giờ, tôi hay mua quần áo theo thói quen, thích là mua, không mặc tới thì đem cho hoặc để ở góc tủ. Qua phim tài liệu này, mới thấy mình lãng phí thật và số lượng quần áo đã qua sử dụng thải ra môi trường thật khủng khiếp”. Đi cùng Hồng Hạnh, Thu Uyên (23 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) nói: “Xem phim này xong, học được vài mẹo làm thành những vật dụng khác để dùng trong nhà, vừa tiết kiệm vừa tái chế”.

Trạm Xanh (165/52 Nguyễn Thái Bình, quận 1) là một địa điểm để bạn trẻ có thể ghé lại, tìm hiểu về sống xanh, học cách tái chế quần áo đã qua sử dụng thành những sản phẩm như ví, túi xách, ba lô… Bên cạnh việc chiếu phim tài liệu theo tháng và đưa ra các vấn đề về môi trường để bạn trẻ quan tâm cùng thảo luận, Trạm Xanh còn nhận thu gom rác thải điện tử, pin đã qua sử dụng để mang đi tái chế và tiếp nhận sách giáo khoa cũ gửi tặng đến học sinh vùng sâu vùng xa.

Mang đến Trạm Xanh một lọ đựng đầy pin đã dùng, Ngô Tấn Toàn (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Từ khi đọc một số tài liệu và xem các buổi chiếu phim tài liệu ở Trạm Xanh, tôi mới hiểu hết tác hại của một viên pin không xử lý đúng cách. Bây giờ, mỗi khi thay pin các đồ dùng trong nhà, tôi đều gom lại để trong một lọ, khi nào đầy thì mang sang đây gửi để mọi người mang đến nhà máy xử lý đúng cách”.

Giống như Toàn, lỉnh kỉnh trong túi xách Minh Thư (24 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) là dây sạc điện thoại, pin dự phòng đã hư. “Hồi trước cứ hư là tôi đem bỏ thùng rác, sau mấy lần nghe bạn bè nói, tôi mới biết làm như vậy là hại môi trường vì rác thải điện tử phải xử lý riêng với rác sinh hoạt. Tìm được địa chỉ Trạm Xanh, nên tôi và nhóm bạn hay gom đồ điện tử hư lại và mang đến đây”, Minh Thư cho biết.

Tự hào sản phẩm thuần Việt

Bên cạnh những hoạt động sống xanh, hay các buổi chiếu phim tài liệu, Trạm Xanh thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kiến thức về ô nhiễm không khí, giảm rác thải, trồng cây, dinh dưỡng sống khỏe; các buổi thực hành làm đồ thủ công tái chế vải vụn, tận dụng vỏ rau củ quả làm enzyme tẩy rửa…

Nơi đây còn ưu tiên bày bán những sản phẩm thuần Việt như: trà hoa, giỏ lá sen, bàn chải tre, nước rửa chén từ vỏ cam, vỏ thơm… “Tôi yêu những sản phẩm mang thương hiệu Việt, nhất là những sản phẩm tự nhiên từ các bạn trẻ khởi nghiệp ở các địa phương thuận tự nhiên, thân thiện môi trường. Hiện nay, phần lớn các bạn chỉ bán chủ yếu qua kênh online để tiết kiệm chi phí mặt bằng. Do đó, tôi nghĩ mình cần chung tay xây dựng một nơi bán sản phẩm xanh - sạch - chất lượng đáng tin cậy, để câu chuyện của các sản phẩm được đến gần hơn với khách hàng. Trạm Xanh được thành lập từ đó”, chị Trần Thị Mai Yến (người sáng lập Trạm Xanh) chia sẻ.

Chỉ vào 2 chai nhựa mang theo trong túi xách, Nguyễn Ngọc Hân (25 tuổi, ngụ quận 1) chia sẻ: “Tìm được địa chỉ bán sản phẩm tự nhiên không dễ. Từ khi biết Trạm Xanh thu gom rác thải điện tử và bán các sản phẩm tẩy rửa từ vỏ cam là tôi mua để dùng trong nhà thường xuyên, đồ điện tử nào hư thì gom vào một túi rồi mang ra đây, nước rửa chén hết thì cầm chai ra đây mua tiếp”.

Với Trạm Xanh, người trẻ đang chuyển sống xanh từ trào lưu thành nếp sống. Tuy nhiên, để sống xanh trở thành thói quen trong cộng đồng không phải dễ, vì những sản phẩm hữu cơ đa phần giá thành khá cao. Chị Mai Yến nói: “Chúng ta đã quen với cuộc sống hiện đại, nên việc đổi sang sử dụng các sản phẩm tự nhiên không phải dễ. Nhưng hãy nghĩ đến những hậu quả lâu dài cho sức khỏe con người, môi trường và thiên nhiên, mà thậm chí thế hệ con cháu tiếp tục là người gánh chịu từ chất thải nhựa... Những người thực sự nhận biết được giá trị này mới có thể theo đuổi và chuyển đổi sang lối sống xanh lâu dài. Vì vậy mà Trạm Xanh luôn bắt đầu bằng những buổi chia sẻ về môi trường để mọi người hiểu được cái lợi cái hại, từ từ mới đến việc đưa ra giải pháp thay đổi”.

“Trong chiến dịch Zero Waste trên toàn thế giới, nhằm hạn chế tối đa mức độ thải rác của con người, trong đó có rác nhựa, tiêu chí 7R được đưa ra như sau: Refuse (Từ chối), Reduce (Giảm thiểu), Reuse (Tái sử dụng), Recycle (Tái chế), Rehome (Dọn dẹp nhà cửa), Replant (Trồng cây), Rot (Phân hủy). Nhưng không nhất thiết chúng ta phải áp dụng cùng một lúc 7R mới là sống xanh, hãy thay đổi từ thói quen nhỏ, áp dụng từng R một”, chị Mai Yến chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục