Trần Hoài Anh đi tìm ẩn ngữ văn chương

Sự xuất hiện của Trần Hoài Anh những năm qua phần nào lấp bớt khoảng trống lý luận phê bình văn học ở TPHCM và phía Nam bằng sự tinh tế phát hiện những cái mới lẫn sự công phu, đào sâu nghiên cứu những giá trị văn học đã bị bụi thời gian phủ mờ. 
Với tập tiểu luận - phê bình Đi tìm ẩn ngữ văn chương (NXB Hội Nhà văn 2017), Trần Hoài Anh đã được trao Tặng thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2017 rất xứng đáng. 

Hành trình đi tìm cái mới, lạ
Vốn là giáo viên THPT ở quê hương Quảng Ngãi, Trần Hoài Anh đã không ngừng học tập vươn lên, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hạng xuất sắc tại Viện Văn học ở Hà Nội. Hiện nay, anh là giảng viên Ngữ văn Trường Đại học Văn hóa TPHCM, vừa được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư gần như cùng lúc với tin vui anh nhận giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM. 
Từ trải nghiệm hành trình không dễ dàng của mình, Trần Hoài Anh tâm sự trong tham luận tại một hội nghị nhà văn trẻ: “Sự chọn lựa của văn chương là sự chọn lựa của định mệnh. Song không phải vì văn chương là định mệnh rồi ngồi đó trông chờ định mệnh sẽ mang đến cho ta tác phẩm. Định mệnh của văn chương là định mệnh của sáng tạo, của lao động. Đó là định mệnh của sự dấn thân, tận hiến, tự đốt cháy mình để làm nên tác phẩm” (Hội nghị “Đội ngũ viết văn trẻ TPHCM tiềm năng và triển vọng”).
Trần Hoài Anh đi tìm ẩn ngữ văn chương ảnh 1 PGS.TS Trần Hoài Anh và tập tiểu luận - phê bình Đi tìm ẩn ngữ văn chương
Dấn thân hết mình, Trần Hoài Anh đầy khát vọng học, đọc, tìm tòi, khám phá cái hay, cái đẹp tiềm ẩn sau những trang văn. Anh lao động một cách cật lực, nghiêm túc với ước muốn chia sẻ vẻ đẹp sáng tạo ngôn từ cho những tâm hồn tri âm. Trong lời mở đầu tác phẩm Đi tìm ẩn ngữ văn chương, anh viết: “Văn chương, tự bao đời luôn là hành trình của khám phá và sáng tạo. Đó là một hành trình đi tìm cái mới, lạ trong hiện thực để trả lời những vấn đề cuộc sống đặt ra. Vì vậy, trong sáng tạo văn chương, việc khát khao đi tìm cái mới là một phẩm tính của người cầm bút, nó hoàn toàn xa lạ với lối viết theo khuôn mẫu được lập trình sẵn, không quan tâm đến cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Bởi, theo Nam Cao “Văn chương không cần đến người thợ khéo tay, làm theo một kiểu mẫu đưa cho: Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những cái gì chưa có…” (Đời thừa - Nam Cao). Công việc của người viết lý luận phê bình, phải chăng cũng là hành trình sáng tạo, kiếm tìm cái mới để tạo nên sự kết nối tri âm từ nhà văn đến người đọc qua những thông điệp ẩn chứa trong tác phẩm”.
Trần Hoài Anh đi tìm ẩn ngữ văn chương ảnh 2
Ngoài những công trình in chung, tập Đi tìm ẩn ngữ văn chương là tác phẩm in riêng thứ 5 của Trần Hoài Anh trong vòng 8 năm qua. Tác phẩm nào cũng dày dặn từ 300 trang đến hơn 450 trang in. Mở đầu bằng chuyên luận cũng là luận án tiến sĩ Lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 xuất bản năm 2009, Trần Hoài Anh đã miệt mài nghiên cứu và lần lượt công bố 4 tập tiểu luận - phê bình: Thơ - Quan niệm và Cảm nhận (2010), Văn học nhìn từ văn hóa (2012), Văn hóa - văn chương & hành trình sáng tạo (2014), Đi tìm ẩn ngữ văn chương (2017). Một cách chân thành, anh sẻ chia về công việc chuyên môn của mình: “Hiểu một con người đã khó. Hiểu văn chương của họ lại càng khó hơn. Vì vậy, trong hành trình đi tìm ẩn ngữ các tác phẩm văn chương, người viết không có tham vọng sẽ giải mã tất cả những gì nhà văn nói đến trong tác phẩm mà chỉ mong những “khám phá” của mình có thể chạm đến một phần nào chân lý nghệ thuật và chân lý đời sống được nhà văn gởi gắm trong tác phẩm”.
Nặng lòng với những giá trị bị phai mờ 
Tác phẩm Đi tìm ẩn ngữ văn chương của Trần Hoài Anh được chia làm 4 phần: Lý luận - phê bình văn học miền Nam (1954-1975): Di sản văn chương dân tộc; Lý luận - phê bình văn học thời kỳ Đổi mới: Từ một góc nhìn; Về một số hiện tượng thơ Việt Nam hiện đại; Về một số hiện tượng văn xuôi Việt Nam đương đại.
Trong ba phần sau cho thấy, Trần Hoài Anh khá cập nhật đời sống văn chương từ thời kỳ Đổi mới bắt đầu năm 1986 đến nay, cả về phương diện lý thuyết lẫn sáng tạo tác phẩm. Đó là thành tựu lý luận - phê bình từ việc tự do tiếp nhận lý thuyết phương Tây. Đó là hằng số văn hóa của tinh thần yêu nước. Đó là quy luật tất yếu của thị trường văn học và văn học thị trường. Đó là dấu ấn tâm thức hiện sinh trong thơ và văn xuôi thời kỳ Đổi mới. Đó là sự phát triển của thơ trẻ TPHCM từ năm 2000 đến nay… 
Nếu như trong các tập sách trước, Trần Hoài Anh đã từng có những bài nghiên cứu về tác phẩm của Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Yến Lan, Lê Đạt, Văn Cao, Vũ Bằng…, thì trong Đi tìm ẩn ngữ văn chương anh tiếp tục đi sâu khám phá vẻ đẹp tác phẩm của một số tác giả kinh điển khác: Cảm thức Đông phương trong thơ Bích Khê, Tâm thức lưu đày và nỗi nhớ cố hương trong thơ xuân Nguyễn Bính, Cảm thức hiện sinh trong thơ Xuân Diệu trước 1945, Cảm thức xuân trong thơ Hoàng Cầm.
Nếu các công trình trước Trần Hoài Anh từng tập trung nghiên cứu một số tác giả, tác phẩm văn học các thế hệ sau như: Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Phạm Thiên Thư, Ly Hoàng Ly, thì trong Đi tìm ẩn ngữ văn chương anh lại tiếp tục viết về Lê Văn Thảo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Trúc Thông, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Hoa… Trong bài viết Lâm Thị Mỹ Dạ và sự ám ảnh về cái đẹp tâm thức, anh viết đầy thăng hoa: “Thân phận con người thì hư ảo và mong manh như sương khói mù khơi. Nhưng tình yêu của con người nếu biết nuôi dưỡng, tôn thờ sẽ là một giá trị hằng số của cái đẹp hiện sinh, góp phần nối dài ý nghĩa về sự hiện hữu vốn rất hữu hạn của kiếp người. Sự tận hiến trong tình yêu bao giờ cũng là một hằng số của cái đẹp trong cuộc sống và trong thơ. Và đây cũng là một sự ám ảnh về cái đẹp của tâm thức hiện sinh trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Ước gì/ Anh là dòng sông/ Cho em soi thấy mình như trời cao rộng/ Ước gì/ Anh là dòng sông/ Để tận cùng anh em gặp chính mình (Tôi thấy mình - Lâm Thị Mỹ Dạ)”.
 Đặc biệt, trong Đi tìm ẩn ngữ văn chương, Trần Hoài Anh còn dành một chương quan trọng cho đề tài chủ lực mà anh theo đuổi khi mới bước vào con đường nghiên cứu: Lý luận - phê bình văn học miền Nam (1954-1975): Di sản văn chương dân tộc. Một cách khách quan và khoa học, anh đã công phu khảo sát, khám phá, nhìn nhận lại tổng thể những giá trị mà một thời bị đánh giá thiên lệch.
Cùng với khuynh hướng lý luận phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Mác-xít với những cây bút tiêu biểu như Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Trần Triệu Luật, Nguyễn Nguyên… thì ở miền Nam trước năm 1975 còn có những khuynh hướng chịu ảnh hưởng phương Tây về phê bình giáo khoa, phân tâm học, hiện sinh. Đây cũng là đóng góp quan trọng của PGS.TS Trần Hoài Anh trong việc sưu tra, cung cấp tư liệu cho sinh viên ngữ văn và giới nghiên cứu tìm hiểu về đời sống văn học ở đô thị miền Nam mà có lúc rơi vào quên lãng.

Tin cùng chuyên mục