Tràn lan buôn bán gia cầm lậu

Mặc dù TPHCM đã có nhiều nỗ lực xử lý vấn đề kinh doanh và giết mổ gia cầm trái phép, nhưng tình trạng này không giảm, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm vốn đang diễn biến phức tạp, nhất là mùa cao điểm kinh doanh, mua sắm cuối năm. 
Gia cầm bán trên lề đường Phạm Hùng (giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh). Ảnh: CAO THĂNG
Gia cầm bán trên lề đường Phạm Hùng (giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh). Ảnh: CAO THĂNG

Cần là có

Dạo một vòng khu vực các chợ truyền thống, chợ tự phát, tuyến đường tại các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12, quận 2… sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh người mua, kẻ bán gia cầm sống tấp nập. Có mặt tại con hẻm nhỏ, kẹp sát sau tòa nhà Pear Plaza (số 561 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) lúc 9 giờ 30 ngày 17-12, chúng tôi đếm có tới 3 điểm (tăng 1 điểm so với cách đây 2 tháng) bán gia cầm sống các loại, mỗi điểm bán có 3-5 lồng đựng gia cầm. Khách hàng chỉ cần dừng xe, chỉ tay muốn mua loại nào, sau 3-5 phút đã có ngay một sản phẩm giết mổ còn nóng hổi. 

Không chỉ có gà, vịt các loại, tại các gian hàng nằm trong một con hẻm gần khu vực chợ Bình Triệu còn bán cả chim bồ câu, chim cút, gà ác, thỏ… Tất cả là hàng sống và không hạn chế số lượng. Giá bán tại đây cũng rất cạnh tranh so với nhiều nơi nên các điểm bán luôn tấp nập người mua. 

Gần đây, tại một số tuyến đường còn hình thành khá nhiều điểm bán gia cầm sống. Điển hình như đường Dương Thị Mười (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, đoạn giáp với đường Nguyễn Ảnh Thủ). Tại đây, mỗi điểm bán có tới vài lồng đựng gia cầm với đủ loại, đủ trọng lượng; đường Nguyễn Văn Công (đoạn từ Bạch Đằng đến chung cư Hà Đô), chúng tôi nhẩm đếm tại nhiều thời điểm có tới cả chục điểm bán, hoạt động chủ yếu vào 2 buổi sáng, chiều…

Theo phân tích của một chuyên gia thị trường, sở dĩ các điểm bán, giết mổ gia cầm còn tồn tại, một phần do người dân thích sử dụng loại gia cầm chăn thả tự nhiên, thịt có độ giòn, dai cao hơn so với gia cầm nuôi tập trung. Điều này đồng nghĩa “có cầu ắt phải có cung”. Trong trường hợp này, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh bằng cách chọn mua các loại thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ và đã qua kiểm dịch. Mặt khác, do lực lượng chức năng của TP và các quận, huyện chưa kiểm tra, xử lý triệt để.

Theo ghi nhận, hầu hết các điểm kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép tồn tại chủ yếu ở hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát. Bên cạnh đó có không ít điểm bán gia cầm sống ăn theo các chợ truyền thống (tức người bán thuê phần đường trước cửa nhà dân gần khu vực chợ và mở điểm bán hoặc đặt ngay lồng gia cầm tại ngã ba đường cho đỡ tốn chi phí). Thực trạng này không chỉ mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn gây nỗi lo tiềm ẩn về lây lan các loại dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp. 

Lý giải vì sao các điểm bán gia cầm vẫn ngang nhiên hoạt động bên ngoài các chợ, đại diện một ban quản lý chợ cho biết, ban quản lý chỉ có nhiệm vụ quản lý, theo dõi hoạt động của tiểu thương trong khu vực nhà lồng và một phần bên ngoài chợ, còn các điểm bán, ki ốt xung quanh chợ do phường quản lý nên ban quản lý không có quyền can thiệp. Do quy định các chợ không được phép kinh doanh gia cầm chưa qua giết mổ, kiểm dịch, nếu phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý ngay nên không ít tiểu thương bỏ sạp ra ngoài đường thuê mặt bằng mở điểm bán. Chẳng hạn, khu vực nhà lồng chợ Văn Thánh, các hộ còn kinh doanh thực phẩm tươi sống chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi các tuyến đường xung quanh, nhất là khu vực chợ Văn Thánh cũ, đã biến thành chợ tự phát trên cả lòng lề đường nhằm đáp ứng nhu cầu mua hàng mà không cần gửi xe của khách.

Chấm dứt tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”

Trong Văn bản số 2321 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM (NN-PTNT) gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện thành phố vào tháng 10-2020, dẫn số liệu của Bộ NN-PTNT cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước có 67 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) xảy ra tại 67 xã, 45 huyện của 24 tỉnh, thành. Số ổ dịch tăng gấp 2 lần, số gia cầm buộc tiêu hủy tăng gấp 3 lần so với năm  2019.

Tràn lan buôn bán gia cầm lậu ảnh 1 Cảnh mua bán gia cầm trên đường Phạm Hùng (giáp ranh giữa quận 8 và huyện Bình Chánh). Ảnh: CAO THĂNG
Nhận định nguy cơ dịch CGC lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao vì tổng đàn gia cầm hiện nay rất lớn, đạt 500 triệu con, mật độ chăn nuôi cao; tỷ lệ gia cầm được tiêm vaccine phòng bệnh cúm đạt thấp, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Kết quả chủ động lấy mẫu giám sát cho thấy tỷ lệ lưu hành virus cúm A/H5N1 và A/H5N6 rất cao, cá biệt có nơi tỷ lệ lưu hành trên 13%, tức trong 100 mẫu xét nghiệm có 13 mẫu dương tính với virus cúm. Mặt khác, do thời tiết thay đổi bất lợi, mưa nhiều, chuyển lạnh tại các tỉnh phía Bắc, cộng với nhu cầu vận chuyển và tiêu thụ cuối năm cao, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến dẫn đến nguy cơ lây lan cúm rất cao. 

Tại TPHCM, theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình  hình kinh doanh gia cầm sống trái phép tại các quận, huyện chưa được xử lý triệt để. Tính đến tháng 10-2020, còn tồn tại 171 điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép trên các tuyến đường trọng điểm thuộc 18 quận, huyện, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch CGC, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Trước tình hình này, Sở NN-PTNT  TPHCM đề nghị UBND các quận huyện, sở ngành chức năng củng cố và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, kiện toàn các đoàn kiểm tra liên ngành do lực lượng quản lý thị trường chủ trì. Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép tồn tại trên địa bàn. Tiếp tục duy trì lực lượng chốt chặn, kiểm tra tại khu vực có các điểm kinh doanh với số lượng lớn. Sở NN-PTNT TPHCM đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP về tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trên địa bàn. 

Sở Công thương cũng có Văn bản số 5945 gửi UBND các quận, huyện đề nghị thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TPHCM tại các công văn 400 và 320, Kế hoạch 169; chỉ đạo ban quản lý các chợ chủ động kiểm tra và thông tin đến các cơ quan chức năng các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Song song đó, tuyên truyền, vận động tiểu thương kinh doanh các mặt hàng gia cầm đảm bảo an toàn, có nguồn gốc xuất xứ và đã qua kiểm dịch, có biện pháp xử phạt hoặc đình chỉ kinh doanh đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần. 

Để ngăn chặn nguy cơ “dịch chồng dịch”, cần sự đồng lòng vào cuộc từ nhiều phía, trong đó ý thức, hành vi chọn mua hàng hóa của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các điểm bán tái phát cần có biện pháp xử lý thật nghiêm, xử phạt thật nặng có đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm, chấm dứt tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”. Chỉ như vậy mới góp phần giảm thiểu tình trạng giết mổ, kinh doanh gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc trên địa bàn TP.

Ông HUỲNH TẤN PHÁT- Phó Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM:

Cần xử lý mạnh tay hơn

Dự báo thời tiết cuối năm nay sẽ lạnh hơn so với năm ngoái, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn bùng phát các dịch bệnh, nhất là cúm gia cầm. Việc kinh doanh gia cầm sống, giết mổ trái phép rất dễ làm lây lan bệnh. Hiện nay, kiểm soát, xử lý kinh doanh trái phép là trách nhiệm của địa phương; về phía cơ quan thú y, chúng tôi sẵn sàng phối hợp khi kiểm tra. Tuy nhiên, các địa phương phải quản lý rất nhiều lĩnh vực nhưng nhân sự mỏng nên thường chỉ xử lý “mạnh tay” kinh doanh trái phép khi xảy ra dịch bệnh.

Để xử lý triệt để vấn đề kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép, theo tôi, chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn, công tác kiểm tra phải được duy trì, thường xuyên chốt chặn. Đối với các trường hợp, các điểm kinh doanh trái phép thường mang gia cầm vào nhà dân, đóng cửa lại, theo tôi công an khu vực có thể mời chủ nhà lên làm việc, xử phạt đối với trường hợp chính chủ, buộc ngưng hợp đồng đối với trường hợp cho thuê.

                                                                                 THANH HẢI ghi

Chị TRẦN THỊ PHƯƠNG THẢO - Nhân viên kế toán:

Buôn bán, giết mổ gia cầm sống gây phản cảm

Do công ty ở gần một số con đường có mật độ buôn bán cao, giống như chợ tự phát nên người dân bán đủ các loại thực phẩm, trong đó có khá nhiều điểm bán gia cầm sống. Tại đây, người bán có thể đun nước để giết mổ gia cầm tại chỗ cho khách hàng. Cách làm này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo sự phản cảm.

Tôi mong các cơ quan chức năng, các quận, huyện cần tổ chức kiểm tra, xử lý triệt để các điểm bán gia cầm sống để ngăn ngừa dịch bệnh. Điều quan trọng, cần giải tỏa các điểm buôn bán thực phẩm lấn chiếm lòng lề đường, trả lại trật tự mỹ quan cho đường phố.

                                                                                               THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục