Thời gian gần đây, cứ có sự kiện nóng được nhiều người quan tâm, ngay lập tức xuất hiện mấy bài nhạc chế được tung lên mạng. Không ít clip nhạc chế độc đáo cả về nội dung và chất lượng kết hợp với sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều clip nhạc chế gây sốc với phần ca từ phản cảm.
Liên tục nóng trên cộng đồng mạng là những bài nhạc chế được ghép từ những ca khúc có tiếng hay hình ảnh của những người nổi tiếng được ghép vô tội vạ với những lời lẽ không mấy thiện cảm đã khiến cộng đồng mạng nổi sóng. Các sự kiện nóng trên mạng xã hội từ chiếc váy màu vàng, trắng hay xanh đen, sự kiện chặt cây xanh, vụ đứt cáp mà nghi phạm là cá mập, vụ vượt rào ở công viên nước Hồ Tây, lễ ra mắt Bphone, ca sĩ Tuấn Hưng cạo đầu vì đội tuyển bóng đá nam thua trận, trào lưu Kiss Cam, phim ngàn tập Cô dâu 8 tuổi… đều được tận dụng để làm nên hàng trăm bản clip nhạc chế.
Mấy ngày vừa qua, một đoạn clip ghi lại cuộc tranh cãi giữa một cô giáo và học viên cũng trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Cô giáo này bỗng chốc trở thành nhân vật xuất hiện dày đặc trong các “siêu phẩm” nhạc chế. Nhiều người còn nhanh chóng tung ra những video clip ăn theo clip gốc. Tất cả đều thể hiện ý đồ châm biếm, mỉa mai trước những câu nói, hành động bị cho không đúng mực, dễ gây ức chế cho người khác của cô giáo.
Công bằng mà nói, có những bài nhạc chế với nội dung ca từ hay, ý nghĩa đã phần nào đánh thức được suy nghĩ và tác động không nhỏ đến nhận thức của người xem. Cách đây không lâu, khi dư luận xã hội bức xúc trước việc chặt hàng loạt cây xanh ở Hà Nội thì Hồ Minh Tài, người được biết đến với những clip nhạc chế dựa theo thời sự gây ấn tượng, tung ra clip nhạc Xin đừng đốn cây được chế theo giai điệu ca khúc Trống vắng của nhạc sĩ Quốc Hùng và nhận được sự đồng tình của nhiều người. Lời ca khúc được viết lại với ý nghĩa bày tỏ nỗi lòng xót xa của người dân khi nhìn cảnh cây xanh bị chặt, đồng thời kêu gọi dừng ngay hành động này. Clip nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng mạng và nhận được sự ủng hộ tích cực từ người nghe. Tuy nhiên, những sản phẩm nhạc chế có ý nghĩa như trên không nhiều. Đa phần, những clip nhạc chế có nội dung nhảm, lời thô tục, phản cảm tràn lan trên mạng. Trong Bài ca leo rào phê phán những người leo rào vào công viên nước Hồ Tây có đoạn: “Một chị leo tận trên cao/Vẫn không sao/ Nhưng ôi thôi song sắt hàng rào đâm vào...” gây phản cảm. Trong clip Bốn chữ lắm chế có những câu từ phản cảm như: “Mạng như… beep, Mạng như… quá tức”.
Chế nhạc không xin phép là hành vi vi phạm luật pháp, không nên cổ xúy. Bởi không có chế tài thích đáng, vô tình mạng xã hội tiếp tay cho nạn vi phạm bản quyền phát triển mạnh. Ngoài ra, việc không giới hạn số lượng chủ đề, thành viên và bình luận không kiểm soát chặt chẽ đã khiến phần bình luận ở một số video clip trở thành “chiến trường” cho cuộc chiến… bàn phím, nơi để mọi người thỏa sức a dua chửi bới hội đồng, xâm phạm đời tư ª
Box:
Nhạc chế là khái niệm dùng để chỉ phần lời đặt mới cho những ca khúc nổi tiếng được nhiều người biết đến với đủ các nội dung, từ lời hay ý tốt đến những lời thô tục, được thể hiện bằng nhiều phương tiện khác nhau (âm thanh và hình ảnh). Nhạc chế chỉ truyền khẩu để mua vui cho nhau trong một nhóm người chứ không trở thành tác phẩm được phép xuất bản và công diễn hợp pháp.
VÕ THẮM - THÀNH SƠN