Cuối năm, nhiều loại thực phẩm bẩn nhập lậu đã rầm rộ đổ vào thị trường trong nước, gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng. Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng những vụ việc bị phát hiện chỉ là rất nhỏ so với tình hình thực tế.
Bao nhiêu cũng có
Những ngày cuối năm, không gian yên tĩnh của thị trấn vùng biên Đồng Đăng (Lạng Sơn) liên tục bị phá vỡ bởi tiếng gầm rú của những đoàn xe máy lao với tốc độ khủng khiếp đi giao nhận hàng. Xe nào cũng chất cao ngất các thùng, bao đằng sau. Trong đoàn xe này có khá nhiều xe chở những lồng gà lèn chặt cứng và những bao tải nước chảy ướt ròng ròng trên đường.
Trong khi đó, ở phía khu vực gần xóm Kéo Kham và Hang Dơi thuộc địa phận cửa khẩu Cốc Nam, cả đoàn cửu vạn cứ thập thò, rồi như “ma đuổi” vội vã địu, gồng gánh hàng hóa vượt biên theo con đường cánh cung bên cạnh cửa khẩu xuống dưới dãy nhà lụp xụp tập kết hàng ngay sát chân núi. Một cửu vạn quen biết từ lâu ở Đồng Đăng cho biết, cứ từ chiều tối tới đêm là thời điểm vận chuyển hàng lậu sôi động nhất vì đây là thời gian lực lượng chức năng chống buôn lậu mỏng nhất. Tuy nhiên, không giống như các năm trước, năm nay, mặt hàng thực phẩm là sôi động nhất. Không chỉ có gia cầm sống, trứng gia cầm mà các loại nầm dê, chân, cánh gà, nội tạng heo, bò… được rất nhiều chủ hàng dưới xuôi ưa chuộng vì giá cực rẻ chỉ có vài nhân dân tệ một cân nầm dê, hay tim cật heo, mà nguồn hàng còn rất phong phú, lại được bảo quản sử dụng lâu dài.
Không chỉ có Lạng Sơn mà dịp cuối năm, ở những cửa khẩu đường biên khác như Lào Cai, Móng Cái, Quảng Ninh… rất nhiều thực phẩm nhập lậu, nguy hại rầm rộ tràn vào thị trường nội địa trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, quá hạn sử dụng, chưa qua kiểm dịch nên nhiều loại thực phẩm nhập lậu đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe người sử dụng. Đáng lưu tâm hơn, nhiều khi chẳng phải lên tận biên giới, vận chuyển khó nhọc, chui lủi qua các cửa kiểm soát mà ngay tại Hà Nội cũng có thể mua dễ dàng cả tạ thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc.
Tại nhiều chợ của Hà Nội như: Thành Công, Hàng Bè, Nghĩa Đô, Thái Hà… những quầy hàng bán lòng phèo, tràng, dạ dày, tim cật, lúc cũng chất ngất nhiều loại nhưng người tiêu dùng lại không hề được biết rõ ràng về chất lượng cũng như nguồn gốc. Thậm chí, nhiều chợ còn bày bán các loại nầm heo, nầm dê, sách bò đã được tẩy trắng nõn nà, ngâm trong những thau đựng thứ nước màu vàng nhờ nhờ để bảo quản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều loại thực phẩm, nội tạng động vật nhập lậu được ngâm hóa chất không cần bảo quản trong tủ lạnh mà vẫn có thể để được vài tháng vẫn tươi nguyên như vừa giết mổ!
Bắt cóc bỏ đĩa
Liên tiếp trong thời gian qua, rất nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn, nội tạng động vật, gia cầm không nguồn gốc, chưa kiểm dịch bị cơ quan chức năng ở Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM và một số tỉnh thành khác phát hiện, bắt giữ.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 11, Cảnh sát môi trường Hà Nội phối hợp với quản lý thị trường đã bắt giữ ô tô 7 chỗ BKS 29L-0400 tại khu vực cửa khẩu Tân Ấp đang bốc dỡ hơn 1,4 tấn nầm và 50kg tràng heo được chứa đầy trong nhiều thùng xốp, không có hóa đơn chứng từ, không có chứng nhận kiểm dịch động vật. Trước đó ít ngày, cơ quan chức năng ở Lạng Sơn cũng phát hiện hơn 3 tấn thịt và nầm heo đã có mùi hôi thối nồng nặc được nhập lậu từ Trung Quốc vào nước ta đang được bốc dỡ xuống xe tải nhỏ để chuyển sâu vào nội địa.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, cho dù có kiểm soát quyết liệt thì số vụ nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn bị phát hiện là rất nhỏ so với tình hình thực tế. Việc ngăn chặn và kiểm soát thực phẩm bẩn nhập lậu qua biên giới vẫn rất nan giải vì so với các mặt hàng nhập lậu khác thì hàng thực phẩm đem lại lợi nhuận khá cao nên nhiều kẻ coi thường luật pháp, bất chấp tính mạng, sức khỏe người sử dụng để buôn bán, vận chuyển thứ hàng nguy hiểm này. Hơn nữa, để đưa mặt hàng nguy hại sức khỏe này trót lọt qua biên giới, bọn buôn lậu lợi dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, mang vác xé nhỏ, chia lẻ lô hàng, gắn trách nhiệm cho “cửu vạn” trong quá trình vận chuyển. Chúng cắt cử người canh gác, theo dõi hoạt động của các lực lượng chống buôn lậu. Tinh vi hơn, bọn chúng còn lợi dụng các kẽ hở trong những quy định về chính sách biên mậu, xuất nhập khẩu, như vụ hơn 108 tấn chân gà thối bị phát hiện ở cảng Hải Phòng đã bị lợi dụng chính sách “tạm nhập tái xuất”. Trong khi đó, hiện nay quy định xử phạt cho hành vi vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn lại quá nhẹ, mức xử phạt không đủ sức răn đe.
| |
Nguyễn Quốc