Có một thực tế là không ít xe máy tham gia giao thông là những chiếc xe hàng nhái, hàng giả, không đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Những chiếc xe này đang được bày bán tràn lan trên thị trường, gây nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông.
Thị trường xe gắn máy không thiếu những xe máy chính hãng như Honda, Yamaha, Sym, Suzuki, Vespa… với hàng trăm đại lý rải rác khắp các quận huyện. Không chỉ là xe chính hãng có chất lượng, với nhiều kiểu dáng khác nhau, tạo cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn mà ngay cả giá bán cũng có nhiều mức giá khác nhau để người mua chọn phù hợp với túi tiền. Có thể nói, thị trường xe máy rất đa dạng cho khách hàng chọn mua.
Tuy vậy, có một thị trường xe máy khác đang ngang nhiên kinh doanh, bất chấp các cơ quan có trách nhiệm là hàng nhái mẫu mã, kiểu dáng, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Đi dọc theo đường Nguyễn Tri Phương, Hồng Bàng (quận 5), Hoàng Văn Thụ (Tân Bình)… người ta thấy bày bán tràn lan các loại xe máy kiểu dáng giống hệt xe Kawasaki, Max, Wave Alpha, Future, Suzuki… không rõ xuất xứ, tem xe ghi thiếu chữ (như Kwasaki) hoặc mang nhãn tự chế như RSX, Cavalry, Ferroli… Những chiếc xe này có chung một đặc điểm là lách dung tích phân khối (50cc) – do các hãng chính thức như Honda, Yamaha, Suzuki… ít sản xuất dòng xe này. Đây là dòng xe có dung tích xi lanh nhỏ không cần bằng lái xe, chủ yếu bán cho khách hàng là học sinh, người chưa có bằng lái sử dụng. Tuy là hàng nhái, kém chất lượng nhưng không ít người tìm mua.
Trong vai khách hàng, chúng tôi đã hỏi mua chiếc xe nhái kiểu Honda Wave Alpha tại đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình. Xe khá giống xe thật về kiểu dáng nhưng nhìn kỹ, nước xi mạ nền xe, ống khói… không bóng và mỏng. Yên xe làm bằng loại nhựa và mút kém chất lượng nên mềm oặt. Quan trọng nhất là động cơ, trước đây các cơ sở làm hàng nhái thường nhập từ nước ngoài về nhưng nay có lẽ sản xuất tại một cơ sở nào đó (không có tên hãng sản xuất) nên không ai biết được động cơ chất lượng ra sao. Người bán hàng nói, nếu muốn thử cũng được nhưng thử xong phải mua vì xe đã nổ máy, mất… “zin”. Theo người bán hàng, xe chỉ có giá 5 triệu đồng, cộng thêm phí trước bạ, phí đăng ký biển số, cộng thêm dịch vụ… tổng cộng là 7,5 triệu đồng. Với chiếc xe có giá như vậy không thể biết được khi chạy với tốc độ 60-70km/giờ, liệu có… an toàn không?
Cách đây không lâu, Đội quản lý thị trường 3A thuộc Chi cục QLTT TP đã lập biên bản, niêm phong lô 64 xe máy của Công ty cổ phần –thương mại XNK ô tô, xe máy Liên Thành Phát (31 đường số 6, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân), có kiểu dáng giống các loại xe máy chính hãng. Đây chỉ là lô hàng nhỏ so với hàng ngàn chiếc xe đã bán, đang bày bán tràn lan trên thị trường. Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước xử lý như thế nào đối với các loại xe nhái này. Chưa thấy vụ nào được đưa ra xét xử tận gốc, chưa có lô xe nào bị hủy… Có lẽ sự dễ dãi của các cơ quan quản lý nhà nước khiến cho các cơ sở sản xuất xe nhái vẫn tự tung tự tác, làm ăn bất chính, đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Ngay trên một website chống hàng gian hàng giả, người ta cũng chỉ kêu gọi chung chung kiểu “cẩn thận không bị lừa” nhưng tuyệt đối không thấy nêu đích danh thủ phạm, biện pháp xử lý.
Quyết định số 65/2010/QĐ-TTg (có hiệu lực từ 15-12-2010) ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ra đời đã phần nào xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị.
Thế nhưng, điều người dân quan tâm là khi mua trúng hàng giả, ai sẽ chịu trách nhiệm? Quyết định 65 ghi rõ: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn mình quản lý. Nhưng cho đến nay, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc hàng ngày vẫn tuôn ra thị trường, nhưng không thấy một địa phương nào bắt, xử lý. Cũng cần nói rõ, các biện pháp chế tài của luật pháp chưa được các địa phương, cơ quan có trách nhiệm thi hành đầy đủ, và nghiêm minh.
THĂNG LONG