Trần Nhã Thụy - Nhà văn “mắc zịch”

Một ngày, một nhà văn xưa nay chuyên viết truyện cho người lớn bỗng đưa cho tôi đọc tập bản thảo viết cho trẻ em.
Trần Nhã Thụy - Nhà văn “mắc zịch”

(SGGPO).- Một ngày, một nhà văn xưa nay chuyên viết truyện cho người lớn bỗng đưa cho tôi đọc tập bản thảo viết cho trẻ em. Tôi nhìn Trần Nhã Thụy lôi từ trong túi xách ra tập truyện Những đứa trẻ mắc zịch bằng đôi mắt mở to y như thể anh đang ngoắt từ không khí ra một chiếc bong bóng.

Thoạt nhìn thấy chữ “mắc zịch”, tôi băn khoăn quá. Tôi nói với tác giả “Sao ông đặt tên sách cà rỡn thế này?”. Trần Nhã Thụy tủm tỉm “Thì anh đọc truyện đi đã”. Tôi đọc, thì ra “mắc zịch” không phải là... “đồ mắc dịch” mà là biến âm của “magic” - “ảo thuật”.

Truyện có đề tài ảo thuật tất nhiên trong truyện có vô số những ảo thuật gia đi đi lại lại, từ những nhà ảo thuật chuyên nghiệp như ông Hoàng bồ câu, thần bài Tùng xẻo, đến con nhà nòi như Vĩnh Hy và những đứa trẻ mê ảo thuật như Trà Đá, Tuấn Anh.

Điều lạ lùng là trong truyện có một đứa nhóc không mê ảo thuật nhưng lại là một ảo thuật gia đại tài. Đó là bé Bông, một đứa trẻ khoác chiếc áo tự kỷ nhưng ẩn chứa bên trong một khả năng thấu thị tuyệt vời.

Chính khả năng kỳ diệu của em, một nhân vật tưởng như góp mặt trong truyện cho vui, lại là chiếc chìa khóa mở lối ra cho câu chuyện ngoắt ngoéo này. Đó cũng là một chi tiết được tác giả cài cắm một cách... rất ảo thuật.

Nhà văn Trần Nhã Thụy tại buổi ra mắt sách. Ảnh: FBNV

***

Ngoắt ngoéo, là vì truyện có màu sắc trinh thám, với nhiều tình tiết làm người đọc hồi hộp, lo lắng. Nhưng cũng như những truyện trinh thám dành cho trẻ em của Alfred Hitchcock và Stefan Wolf, với những thám tử tí hon đóng vai chính, Những đứa trẻ mắc zịch không dẫn người đọc đến những cảnh huống nặng nề, u ám, không có kinh hoàng, chết chóc; tất nhiên số phận của chú bé Trà Đá ở những trang cuối có khiến người đọc dậy lên mối thương tâm nhưng tác giả vẫn đủ nhân hậu, thứ phẩm tính để truyện trẻ em được là truyện trẻ em, chừa cho chúng ta một ngọn nến hy vọng để ai cũng có thể thắp lên trên giá đỡ và thì thầm cầu nguyện cho chú bé đáng yêu.

***

Trần Nhã Thụy là người miền Trung, nhưng truyện thiếu nhi đầu tay của anh lại rặt chất Sài Gòn, dù gốc gác của nhân vật Tuấn Em trong truyện cho thấy chú bé và nguyên quán của tác giả có chút liên quan.

Kể cũng lạ, tôi cũng là người miền Trung và truyện dài thiếu nhi đầu tay của tôi Trước vòng chung kết cũng rặt giọng miền Nam. Phải chăng đó là ảnh hưởng vô hình của vùng đất mới - một quê hương thứ hai - lên những chàng sinh viên tỉnh lẻ miền Trung khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp và lạc lối quanh quẩn thế nào lại trở thành nhà văn.

Không chỉ văn phong, giọng điệu, cả bối cảnh và con người trong truyện của Trần Nhã Thụy cũng làm gợi nhớ đến những nhà văn viết cho trẻ em có căn cước ở miền Nam như Lê Văn Nghĩa, Nguyễn Trí Công. Là vì cũng cái xóm cần lao đó, những ngành nghề bình dân đó (hớt tóc, bán dạo, quảng cáo, sơn đông mãi võ), những phận người không may đó - như bé Bông, thằng Tuấn Em - khiến các tác giả này, tuy chủ định viết cho trẻ em, lại mang kích thước của những nhà văn thiên về đề tài xã hội.

Đó là lý do khi đọc truyện này, trong khi phần trẻ thơ của tôi tò mò về âm mưu của các nhân vật phản diện thì phần người lớn trong tôi lại bị ám ảnh nhiều hơn về khí hậu xã hội của câu chuyện.

Cái khí hậu đó, cái đời sống thị dân vất vả đó có lẽ đã đi vào tâm thức Trần Nhã Thụy trong những buổi chiều anh ngồi ngắm trần gian chuyển động bên bờ kênh Nhiêu Lộc và bâng khuâng nhớ đến những đứa con ở nhà.

Bìa sách Những đứa trẻ mắc zịch của nhà văn Trần Nhã Thụy

***

Có bao nhiêu nhà văn cầm bút viết cho thiếu nhi khởi đi từ ước muốn giản dị là kể chuyện cho những đứa trẻ trong chính nhà mình? Có lẽ là rất nhiều. Từ Đông sang Tây. Từ xưa đến nay. Đến nay tức là đến trường hợp mới nhất: Trần Nhã Thụy. Và anh đủ thông minh để chọn một đề tài gần gũi và đặc biệt hấp dẫn với trẻ em: ảo thuật.

Khi viết cuốn sách trẻ em đầu tay, Trần Nhã Thụy cũng đã biến thành nhà ảo thuật mà không tự biết. Với Những đứa trẻ mắc zịch, anh đã lôi ra từ trong trí tưởng tượng của mình con chim bồ câu đầu tiên trước ánh mắt ngạc nhiên của những đứa trẻ, và cả của những đồng nghiệp.

Tôi tin rồi anh sẽ còn đem tới cho trẻ em nhiều con chim bồ câu khác nữa - như ông Hoàng bồ câu trong cuốn sách này, vì một thế giới thanh bình bao giờ cũng rất cần những tiếng đập cánh của bồ câu và trẻ em, nhất là trẻ em Việt Nam, thì đang cần rất nhiều những nhà văn viết cho tuổi nhỏ.

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục