Trận thua của nhà chức trách Pháp

EURO 2016 diễn ra khi nguy cơ khủng bố có thể xảy ra ở khắp nơi, điều này ảnh hưởng lớn đến lượng CĐV đổ về đây. Mới đây thống kê lượng fanzone cho thấy, sự “vắng khách” đang bủa vây nước Pháp.

Cảm xúc EURO

EURO 2016 diễn ra khi nguy cơ khủng bố có thể xảy ra ở khắp nơi, điều này ảnh hưởng lớn đến lượng CĐV đổ về đây. Mới đây thống kê lượng fanzone cho thấy, sự “vắng khách” đang bủa vây nước Pháp.

Có một cảnh quay rất đắt giá trong bộ phim “Lính ngầm Benghazi” của đạo diễn Michael Bay. Giữa làng bom đạn bay mù mịt, người ta vẫn ghi được cảnh người dân Libya miệt mài xem bóng đá qua màn ảnh nhỏ. Chi tiết trên phần nào chứng minh đúng khái niệm: “Tính mạng con người khi đặt giữa ranh giới sự sống và cái chết, vẫn rất khó khiến họ thôi đi cái đam mê cháy bỏng từ môn thể thao vua”.

Tuy nhiên rất có thể qua kỳ EURO trên đất Pháp lần này, khái niệm trên phần nào được nhìn nhận ở một góc duy ý chí hơn. Theo ghi nhận cơ quan truyền thông quốc tế, các fanzone ở Paris và Marseille đang “vắng khách” đi trông thấy. Từ mức có thể chứa khoảng 80 – 90 ngàn người, 2 thành phố lớn của nước Pháp chỉ thu hút được khoảng vài ngàn người.

Điều này cho thấy, dù ban tổ chức đang ra sức tăng cường an ninh nhằm có được kỳ EURO thành công trọn vẹn, nhưng rất khó để người dân thôi đi cái lo sợ để đặt chân đến đây. Phần nào ký ức về cuộc khủng bố tháng 11 năm ngoái chưa nguôi trong tâm khảm mọi người. Gần đây nhất, việc bắt được nghi phạm chuẩn bị thuốc nổ đặt bom càng khiến mức độ lo sợ tăng lên bội phần.

Đối với từng người hiểu rằng, mình ở nước Pháp như con mồi ở ngoài sáng, khủng bố ở trong tối. Dù được bảo vệ, dù được ra sức để đảm bảo hưởng thụ kỳ EURO trọn vẹn, nhưng có ai dám chắc rằng khủng bố không hề xảy ra dù chỉ ở mức độ thấp nhất? Và thử hỏi nếu đến đây để xem bóng đá kiêm luôn du lịch, nhưng cảnh sát cứ theo bạn như hình với bóng, ăn cũng theo, uống cũng theo, vui chơi trò chuyện với bạn bè khắp nơi cũng được giám sát một cách chặt chẽ. Liệu bạn có tự nhiên?

Trong một lần hỏi thăm người anh là fan hâm mộ tuyển Anh, nếu có thời gian rảnh liệu anh có đến Paris cổ vũ cho Tam sư. Anh thẳng thừng trả lời không cần phải đắn đo suy nghĩ: “Thật ra nếu có thời gian rảnh anh cũng không đi, vì sợ đang ở một nơi nào đó dùng bữa mà bị đánh bom hay xả súng coi như xong mạng”.

Đó chỉ là ý kiến một cá nhân, không thể quy chụp cho toàn bộ suy nghĩ những người còn lại từng có ý định đặt chân đến Pháp. Chỉ thấy rằng, khái niệm vượt lên tất cả để đến với bóng đá dường như chỉ tồn tại trong suy nghĩ từng cầu thủ. Carlos Bacca từ một cậu bé xé vé xe bus ở Brazil, vượt lên nghịch cảnh trở thành sao. Daniel Alves cũng có kịch bản tương tự… nhưng CĐV không như thế, vì họ không thể vì 1 phút vui chơi mà quên đi sinh mạng của mình, họ còn gia đình, bạn bè và cuộc sống đầy hoài bảo.

Đối với họ, không có kỳ EURO này vẫn còn kỳ EURO khác, nhưng không có chuyện không có tính mạng này vẫn còn tính mạng khác. Vì thế, chủ nhà Pháp có thể nâng cúp vô địch lần này. Nhưng không cần đi đến chung kết, nhà chức trách Pháp đã thua ngay từ “trận khai mạc” khi CĐV thờ ơ, lo sợ để đến đây, và huống chi công nghệ vô tuyến đang phát triển “chóng mặt”. Vậy tội gì đặt mạng sống lơ lửng giữa lưỡi hái tử thần?

Chẳng thể thưởng thức tiệc bóng đá một cách trọn vẹn khi nguy hiểm và an ninh luôn rình rập.


Cự Giải (Hải Phòng)

Tin cùng chuyên mục