
Lần giở từng trang viết trong cuốn hồi ký Chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975, PGS Thiếu tướng Đặng Huyền Phương, nguyên là cán bộ Sở chỉ huy Tổng cục Hậu cần cánh Đông (gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4) như sống lại những giờ phút hào hùng cách đây 30 năm. Vị chỉ huy hậu cần của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hào hứng hẳn lên với những câu chuyện về “một trận tuyến quan trọng cho chiến thắng vĩ đại”.
- Quyết định quan trọng trước giờ G
Ngày 10-4-1975, đợt 2 của cuộc tấn công tuyến phòng thủ thép Xuân Lộc bắt đầu với các lực lượng của ta đột kích chia cắt địch trên đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chính thức cắt đứt đường số 1 giữa Biên Hòa với Xuân Lộc. Để chuẩn bị cho giờ G ngày N mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các đơn vị hậu cần Miền được tách ra chia thành 2 cánh Đông-Bắc và Tây-Nam – bảo đảm nhiệm vụ hậu cần cho các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

PGS Thiếu tướng Đặng Huyền Phương.
“Giờ G ngày N chính là rạng sáng ngày 26-4-1975. Vừa khai hỏa chiến dịch thì có một tình huống đột xuất là phải tìm giải pháp để tăng thêm sức mạnh tấn công từ hướng Bắc xuống. Tôi nhận được lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch với nội dung: Hậu cần phải đến Quân đoàn 2 bàn việc rút bớt 50 xe đã tăng cường cho Quân đoàn 2 cơ động từ Đà Nẵng vào để chuyển sang hỗ trợ cho Quân đoàn 4. Chậm nhất sáng ngày 27-4, 50 xe này phải có tại Quân đoàn 4 để kịp tổ chức lực lượng và bố trí đội hình cho đợt tổng tiến công cùng các hướng khác vào giải phóng Sài Gòn – Gia Định” - PGS Thiếu tướng Đặng Huyền Phương nhớ lại.
Quyết định của Bộ Tư lệnh trước giờ xuất quân đối với ông là một sự táo bạo và cấp bách với tính toán làm sao rút bớt phương tiện của một quân đoàn cơ động từ miền Trung vào để tăng cường cho lực lượng tại chỗ nhưng không làm giảm sức mạnh tiến công của các cánh quân. Và bằng cách nào để trong thời gian ngắn thực hiện được đúng ý đồ của cấp trên?
“Nhận được lệnh, tôi lên đường ngay. Để đi đến Sở Chỉ huy Quân đoàn 2 nhanh nhất, tôi không đi theo đường quốc lộ, tỉnh lộ, mà đi xuyên qua rừng cao su. Chiếc xe Gat 69 mở hết tốc độ cuốn theo bụi đất đỏ làm mù mịt cả một quãng đường trong rừng cao su bạt ngàn đưa chúng tôi từ Sở Chỉ huy tiền phương tại phía Bắc thành phố Biên Hòa đến Sở Chỉ huy Quân đoàn 2 đang triển khai ở Đông Nam Long Thành. Đến nơi, tôi được dẫn ngay đến gặp đồng chí Tư lệnh. Như đã thống nhất từ trước, kế hoạch giao 50 xe cho Quân đoàn 4 được thực hiện một cách nhanh chóng và ngay sáng ngày 27-4-1975, đội hình của Quân đoàn 4 được tăng thêm sức mạnh bằng cơ giới, thọc sâu chia cắt địch từ hướng Đông-Bắc, buộc địch phải tập trung đối phó vào hướng này làm giảm bớt sức đề kháng trên hướng Tây-Nam”.
- Bài học về trận tuyến hậu cần nhân dân
Cuộc chiến tranh đã đi qua 30 năm, PGS Thiếu tướng Đặng Huyền Phương đúc kết những bài học về trận tuyến hậu cần nhân dân. Ông xúc động: “Những năm 1973, 1974 khi ta chuẩn bị cho những trận đánh lớn, ở vùng bị địch chiếm, trận tuyến hậu cần rất thầm lặng nhưng cũng rất quyết liệt, nhiều hy sinh.

Ngày 30-4-1975, các bộ chiến sĩ khu Sài Gòn - Gia Định vượt Rạch Sơn về Sài Gòn. Ảnh: T.L.
Quân và dân ta trên trận tuyến này thật bền gan vững chí, dũng cảm đấu tranh, linh hoạt đối phó với bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền. Trong lòng địch, chúng ta vẫn hình thành được thế trận hậu cần nhân dân với những đội quân tham gia nuôi dưỡng thương binh, cất giữ vật chất, vũ khí, nhưng địch không hề hay biết.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trận tuyến hậu cần nhân dân được phát huy tối đa với nhiều hình thức và cách làm phong phú. Những đội quân tóc dài tải đạn vượt trận tuyến, hoặc lao vào cứu chữa thương binh, tiếp tế nước uống, thực phẩm, để bộ đội thần tốc hành quân, luôn là hình ảnh đẹp, sống động của sức mạnh quân - dân, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch.
Bài học kinh nghiệm vô giá này chính là sự phát huy sức mạnh của nhân dân vào trận tuyến hậu cần. “Nếu không có trận tuyến quan trọng này thì không thể có được những chiến thắng vẻ vang” – ông khẳng định.
Đã ở tuổi 78 nhưng sức làm việc của ông vẫn như ngày nào. Bà Phạm Bích Liên, người đồng chí và bạn đời của ông, tự hào: “Ông ấy như con tằm nhả tơ - để lại cho đời những công trình nghiên cứu quân sự và quốc phòng rút ra từ 2 cuộc chiến đã qua”.
Trong số những bài viết, quyển sách ông vừa hoàn thành, đáng chú ý nhất có tác phẩm “Công tác hậu cần - lịch sử, truyền thống và phát triển” – một công trình nghiên cứu có ý nghĩa tiếp nối truyền thống ngành hậu cần – lĩnh vực mà ông đã gắn bó suốt 56 năm - kinh nghiệm của mình, của những năm chiến tranh ác liệt vào yêu cầu xây dựng quân đội ta trong giai đoạn cách mạng mới.
PHẠM HOÀI NAM