(SGGP).– Chúng ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, một thời kỳ chỉ có duy nhất một lần trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên dân số của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: quy mô lớn, chất lượng thấp, tốc độ già hóa nhanh và mất cân bằng giới tính tăng… Đây là những vấn đề được đặt ra tại buổi tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số diễn ra ngày 24-9 ở Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, công tác dân số Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên, bản năng sang việc sinh đẻ có tính chủ động, có kế hoạch. Từ việc sinh nhiều con, chất lượng thấp sang việc sinh ít con, chất lượng ngày càng cao.
Nếu như năm 2002, số con trung bình/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta là 2,28 con thì năm 2012 còn 2,05 con. Việt Nam đã nhanh chóng đạt được mức sinh thay thế vào năm 2006 (2,09 con/phụ nữ). Tỷ lệ gia tăng dân số cũng giảm từ 1,17% (2002) xuống còn 1,06% (2012). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đã giảm mạnh từ 21,7% (2002) xuống còn 14,2% (2012). Về cơ cấu dân số, cứ 2 người trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) mới phải “gánh” một người trong độ tuổi phụ thuộc (trẻ em - dưới 15 tuổi và người cao tuổi - trên 64 tuổi). Hơn 61 triệu người (chiếm 69% tổng dân số) đang ở độ tuổi lao động là một nguồn nhân lực khổng lồ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình cũng đang bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô dân số nước ta đã gần 89 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 13 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á. Tốc độ tăng dân số tuy đã giảm nhiều song do quy mô dân số khá lớn, mỗi năm nước ta tăng 1 triệu người, mật độ dân số 267 người/km², là nước nằm trong nhóm các nước có mật độ cao nhất thế giới.
Chất lượng dân số thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề nóng và tiếp tục tăng cao nếu không được xử lý kiên quyết ngay bây giờ sẽ để lại những hệ lụy rất nặng nề về mặt xã hội, kinh tế thậm chí an ninh chính trị. Đầu tư đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu người gia nhập lực lượng lao động hàng năm cũng là vấn đề lớn đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực của các ngành, các cấp và xã hội.
Trước những thành tựu và thách thức trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, cho rằng: Mặc dù tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đã đạt mức sinh 2 con nhưng xét từng địa phương, vùng miền thì có nơi rất cao, nhưng có nơi lại rất thấp như TPHCM và các tỉnh lân cận vùng Đông Nam bộ. Do đó phải tính toán để kéo mức sinh các địa phương này lên, nếu không sẽ rất đáng lo ngại. Phó Thủ tướng đề nghị ngành dân số khi xây dựng chính sách phải có tầm nhìn xa và phải có sự tính toán cho phù hợp. “Bài học của chúng ta là chuyện sinh đẻ không phải là vấn đề riêng của gia đình mà chính là tương lai… của đất nước” - Phó Thủ tướng nêu rõ và cho rằng, nếu chính sách về dân số không hợp lý, kịp thời thì sau này rất khó thay đổi tình thế.
Phó Thủ tướng đề nghị sắp tới ngành dân số cần phối hợp cùng ngành giáo dục, khi dạy về giáo dục công dân phải dạy về hạnh phúc gia đình để các em có ý thức, ngay từ bậc học phổ thông, phấn đấu làm một công dân tốt, làm bố mẹ tốt sau này. Ngành y tế và dân số thiết kế các chương trình dân số, làm sao để duy trì và kéo dài thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” ít nhất đến năm 2061. Bên cạnh đó, cần phối hợp với Bộ LĐTB-XH quy định tuổi về hưu sao cho hợp lý để phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng”.
NGUYỄN QUỐC