Trong thực tế, có khi người dân đối mặt với cái xấu, cái ác nhưng phải bó tay chịu trận, bởi không đủ sức, rất bị động và chưa được hướng dẫn cách ứng phó an toàn, hiệu quả để ngăn chặn tội phạm và cứu người bị nạn. Làm cách nào khắc phục tình trạng này?
Lúng túng trong cách xử lý tình huống
Từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng Công an TPHCM từ các phòng nghiệp vụ cho đến công an quận, huyện, phường, xã, thị trấn tăng cường tuần tra, khép kín địa bàn để ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy vậy, tình hình tội phạm chỉ mới giảm, chứ chưa thực sự bền vững. Các vụ cướp giật, trộm cắp, đâm thuê chém mướn, sử dụng vũ khí quân dụng để thanh toán nhau... vẫn xảy ra. Thực trạng này cho thấy các giải pháp tiến hành cuộc chiến chống tội phạm ở TPHCM chưa đủ công hiệu, đòi hỏi khai thác tận dụng các phương tiện và lực lượng đã có, nhân rộng các mô hình giữ gìn an ninh trật tự hiệu quả, không để người dân phải lúng túng trong cách xử lý tình huống nguy cấp. Dư luận cho rằng, lẽ ra ngành công an nước ta nên học tập cảnh sát các nước, biên soạn cẩm nang hướng dẫn người dân từng động thái cụ thể ứng phó với các tình huống nguy cấp nhất định, như khi đi đường ban đêm nơi vắng vẻ, khi gặp cướp, khi phát hiện trộm đột nhập, khi thấy người bị tai nạn, khi thấy người bị hành hung...
Người đi đường cùng công an bắt 2 tên cướp giật trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM)
Ông Nguyễn Ngọc Thuận (ở đường Cống Quỳnh, quận 1) kể: “Có lần tôi đi đường ban đêm, thấy có người đi bộ bị uy hiếp, kêu cứu, nhưng tôi không biết làm sao ứng cứu kịp. Những thanh niên mạnh khỏe, có võ thuật còn không dám trợ giúp khi thấy người bị tội phạm uy hiếp, huống gì tôi tuổi đã ngoài 60. Rất cần hướng dẫn cho người dân nên làm gì để có thể ứng phó hiệu quả và an toàn khi gặp tình huống nguy cấp”. Anh Trần Minh Tùng (ở đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh) nói: “Nhiều lần chứng kiến kẻ gian lộng hành, cướp giật tài sản của người đi đường, tôi quá bức xúc và cảnh giác, nên tự trang bị công cụ hỗ trợ sẵn trong cốp xe, để khi gặp chuyện là có thể đối phó. Nhưng tôi cũng lo mang họa vì bị công an cho rằng mình mang hung khí ra đường. Bên cạnh đó, tôi cũng rất băn khoăn khi nghe rằng nếu như mình đánh tội phạm bị thương tích thì có thể còn bị tù”.
Tài liệu tuyên truyền phòng chống tội phạm
Phóng viên Báo SGGP đã gặp Thượng tá Trần Văn Trung, Phó Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Công an TPHCM (PV28), trao đổi về việc rất cần có cẩm nang hướng dẫn người dân cách ứng phó khi gặp tình huống nguy cấp, đối mặt tội phạm. Thượng tá Trung lấy trong hộc tủ ra một cuốn sổ khổ 14cm x 20cm, dày hơn 80 trang, cho biết: “Đây là tài liệu tuyên truyền phòng chống tội phạm. Nội dung tập tài liệu này tuy chưa đủ đáp ứng yêu cầu thực tế diễn biến tội phạm khá mới mẻ, tinh vi hiện nay, nhưng cũng ít nhiều hỗ trợ người dân cảnh giác với phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm cũng như giải pháp ứng phó. Ngoài ra, qua diễn biến tình hình tội phạm tại từng thời điểm, chúng tôi nắm bắt và có văn bản thông báo tình hình an ninh trật tự, tham mưu cho Ban Giám đốc Công an TPHCM chỉ đạo công an các quận, huyện phổ biến ngay cho người dân, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cảnh giác. Với phương châm hiệu quả nhưng phải an toàn, chúng tôi mong muốn người dân hết sức bình tĩnh trước mọi tình huống. Khi gặp hay phát hiện tình huống nguy cấp, thì tri hô cầu cứu, nếu có thể thì gọi điện thoại cho chúng tôi qua đường dây nóng 113. Trong tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, chúng tôi đã đề xuất Ban Giám đốc Công an TPHCM thí điểm lắp camera quan sát tại các tuyến đường. Đến nay, nhờ tính hiệu quả cao nên việc lắp camera đã được xã hội hóa tại 22 quận, huyện. Công an TPHCM cũng đang soạn tờ trình kiến nghị Thành ủy và UBND TPHCM về việc thành lập lực lượng phòng chống tội phạm. Lực lượng này sẽ do công an các quận, huyện trực tiếp quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ. Hy vọng, khi mô hình này hoạt động, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM sẽ an bình hơn”.
| |
ĐOÀN HIỆP