Tranh chấp nước vì thủy điện

Ngày 31-3, tại UBND TP Đà Nẵng diễn ra buổi làm việc giữa Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), đại diện tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng và các nhà máy thủy điện… để giải quyết vấn đề tranh chấp nguồn nước liên quan đến thủy điện.
Tranh chấp nước vì thủy điện

Ngày 31-3, tại UBND TP Đà Nẵng diễn ra buổi làm việc giữa Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), đại diện tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng và các nhà máy thủy điện… để giải quyết vấn đề tranh chấp nguồn nước liên quan đến thủy điện.

  • Khô hạn bất thường

Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho biết, lượng mưa trong mùa mưa năm 2012 trên lưu vực sông Vu Gia chỉ đạt 40% lượng mưa trung bình nhiều năm; lượng mưa từ đầu năm 2013 đến nay không đáng kể cộng với thủy điện Đắk Mi 4 không xả nước về phía sông Vu Gia như đã cam kết dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trên lưu vực sông Vu Gia. Chính vì thế, từ đầu tháng 3-2013, nhà máy nước Cầu Đỏ cung cấp nước sinh hoạt cho 1,3 triệu dân TP Đà Nẵng, bị nhiễm mặn buộc phải bơm nước từ đập dâng An Trạch (huyện Hòa Vang) cách đó chừng 10km khiến kinh phí sản xuất nước tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước trên sông Vu Gia cũng ảnh hưởng đến 10.000ha diện tích đất nông nghiệp của TP Đà Nẵng và các huyện Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam. 

Vùng hạ du ở Quảng Nam và Đà Nẵng đang xảy ra khô hạn khốc liệt, một phần nguyên nhân do thủy điện không xả nước. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Vùng hạ du ở Quảng Nam và Đà Nẵng đang xảy ra khô hạn khốc liệt, một phần nguyên nhân do thủy điện không xả nước. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho biết, việc các nhà máy thủy điện trên đầu nguồn sông Vu Gia không xả nước như đã cam kết gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của 1,7 triệu dân trên lưu vực sông Vu Gia (trong đó có TP Đà Nẵng) và đe dọa đến 10.000ha diện tích đất nông nghiệp của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Trong khi đó, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn, năm nay khả năng không có lũ tiểu mãn nên vụ mùa và sinh hoạt của người dân bị đe dọa. Giữa cuối tháng 3-2013, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ TN-MT làm việc với Bộ Công thương yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4 xả nước về lại sông Vu Gia để chống hạn với lưu lượng 25m³/giây.

  • Nhiều giải pháp cấp bách

Tại buổi làm việc sáng 31-3, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, người được UBND TP Đà Nẵng ủy quyền, đã yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 phải tạm ngừng phát điện để trữ nước xả về sông Vu Gia đảm bảo nguồn nước sản xuất vụ hè thu sắp đến cũng như đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho 1,7 triệu dân TP Đà Nẵng và Quảng Nam sống ở lưu vực sông Vu Gia.

Tuy nhiên, vị đại diện tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng việc thủy điện Đắk Mi 4 phát điện đổ về sông Thu Bồn và từ sông Thu Bồn cũng đổ về lại sông Vu Gia qua điểm nối tại khu vực Quảng Huế. Vì thế không cần thiết phải tạm ngưng phát điện thủy điện Đắk Mi 4.

Ông Huỳnh Vạn Thắng lại cho rằng, việc thủy điện Đắk Mi 4 phát điện đổ nước về sông Thu Bồn và lượng nước đó không bao giờ đổ về sông Vu Gia được vì bình độ mặt nước của sông Thu Bồn thấp hơn Vu Gia. Ngược lại, một lượng lớn nước từ sông Vu Gia đổ về sông Thu Bồn khiến dòng Vu Gia càng thêm thiếu nước.

Sau khi nghe ý kiến các bên liên quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh và các bên liên quan đi đến thống nhất thực hiện đắp tạm thời đập ngăn tại sông Quảng Huế, không cho nước sông Vu Gia đổ về sông Thu Bồn để đảm bảo nguồn nước. Các địa phương thống nhất lịch thời vụ bắt đầu cho vụ mùa hè thu vào khoảng từ 15 đến 30-5, và vào thời điểm trên, các thủy điện Đắk Mi 4, A Vương phải xả nước để nông dân có nước làm đất và gieo sạ. Từ ngày 15-5, Tổng cục Thủy lợi sẽ cử đoàn cán bộ vào để cùng với Quảng Nam, Đà Nẵng và các bên liên quan thống nhất phương án ứng phó tùy theo tình hình thực tế. Nếu việc đắp đập ngăn Quảng Huế mà vẫn không đủ nước để tưới cho vùng hạ du sông Vu Gia thì các thủy điện Đắk Mi 4, A Vương phải xả nước để đảm bảo nguồn nước tưới cũng như nguồn nước sinh hoạt của lưu vực sông này.

Và đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tranh chấp nguồn nước liên quan đến thủy điện của TP Đà Nẵng. Kể từ dự án thủy điện Đắk Mi 4 được thực hiện, TP Đà Nẵng đã nhiều lần có văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành trung ương đề nghị thủy điện Đắk Mi 4 “trả” nước lại cho dòng Vu Gia.

Sông Đắk Mi (Phước Sơn, Quảng Nam) cạn khô, trở thành nơi khai thác vàng trái phép.

Sông Đắk Mi (Phước Sơn, Quảng Nam) cạn khô, trở thành nơi khai thác vàng trái phép.

NGUYÊN KHÔI

“Nước bây giờ là vàng”

Để giải quyết tình trạng căng thẳng về nhu cầu nước, sau khi các bên liên quan đưa ra ý kiến tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, đề nghị: “Bây giờ nước là vàng rồi. Đề nghị phải tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Chỉ xả nước tập trung ở các hồ Đắk Mi 4 và A Vương chứ không dàn trải nữa. Thống nhất xả 1 đợt, vừa đảm bảo nước cho sinh hoạt vừa đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. Theo đó, từ ngày 15-5 đến 30-5 thủy điện A Vương xả 39m³/giây và thủy điện Đắk Mi 4 xả 50m³/giây, và cả 2 địa phương cũng phải xuống giống tập trung trong thời gian này. Nếu xả tập trung như vậy chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu nước của Đà Nẵng và Quảng Nam. Tuy nhiên, 2 địa phương cần xem xét cân đối lại nguồn nước, thậm chí chuyển đổi cơ cấu cây trồng nếu cần. Về lâu dài, phải nghiên cứu giải pháp lớn. Tuần sau, bộ sẽ có văn bản thông báo lịch xả nước đến các địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên bộ chỉ đạo việc lấy nước nên sau xả đợt 1, phải họp rút kinh nghiệm”.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục