Tránh để thương lái nước ngoài ép giá nông sản - Đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường

Chiều 17-5, trao đổi với phóng viên Báo SGGP về tình trạng thương lái Trung Quốc thao túng, ép giá nhiều mặt hàng nông - thủy sản, đẩy nông dân và thương lái địa phương vào cảnh khốn đốn, PGS-TS Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, thương lái Trung Quốc hay bất cứ người nước ngoài nào khi sang nước ta làm ăn đều phải đăng ký với cơ quan chức năng và phải thực hiện đầy đủ các thủ tục mà pháp luật quy định.

Việc thương lái nước ngoài sử dụng hộ chiếu du lịch, rồi núp bóng thương lái địa phương để thu gom nông thủy sản ở ĐBSCL, mà không hề đăng ký kinh doanh, không ký hợp đồng… là phạm pháp. Để họ hoạt động tự do nhiều năm, tự ý nâng giá -  đè giá nông thủy sản cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của một số chính quyền địa phương.

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với nhiều rủi ro, hạn chế của ta lâu nay vẫn là làm nhỏ lẻ, theo phong trào, hễ thấy mặt hàng nào có giá là ùn ùn làm theo, đến khi thừa nguyên liệu - giá rớt, nông dân lãnh đủ. Mấu chốt vấn đề là ngành công thương, trung tâm xúc tiến thương mại… các địa phương còn nhiều hạn chế trong việc xúc tiến đầu ra hàng nông sản, chưa nắm chắc thị trường và thiếu định hướng sản xuất cho nông dân.

Nếu như ở nhiều nước trên thế giới khi có đầu ra, có hợp đồng thì mới sản xuất; trong khi ở ta mạnh ai nấy làm, sau đó mới tìm nơi tiêu thụ. Vì vậy chuyện bị ép giá, bị nước ngoài thao túng… là hiển nhiên.

Để tránh những yếu điểm trên, theo PGS-TS Mai Văn Nam, cần sản xuất đa dạng các sản phẩm nông sản và đa dạng thị trường tiêu thụ; không nên phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ thị trường nào, kể cả những thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ… 

Bên cạnh đó, thường xuyên tìm kiếm thị trường mới, thị trường tiềm năng cho hàng nông - thủy sản. Vấn đề này, ngành công thương, trung tâm xúc tiến thương mại, các hợp tác xã… phải vào cuộc mạnh hơn nữa và làm liên tục, làm có định hướng, mục tiêu, kiên trì để ổn định đầu ra cho nông sản. Hỗ trợ nông dân nhiều hơn về thông tin thị trường, định hướng sản xuất, dự báo giá cả… không thể để nông dân “tự bơi” mãi được, bởi nông dân có thói quen thấy sản phẩm nào có giá là làm theo.

UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, đang chỉ đạo ngành liên quan kiểm tra nắm cụ thể tình hình khoai lang hiện nay, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân, thương lái địa phương… thận trọng trong việc sản xuất và buôn bán. Trong đó, đề phòng những thương lái nước ngoài làm ăn thiếu căn cơ, thiếu đầu tư lâu dài…

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết, tỉnh có vùng chuyên canh thanh long rộng 1.300ha, trong đó 60%-70% sản lượng được xuất sang Trung Quốc. Định hướng tới đây là không tăng ào ạt diện tích và giảm dần phụ thuộc vào thị trường này để chuyển sang các thị trường khác như Mexico, Indonesia, Malaysia… nhằm tránh rủi ro.

Từ bài học bị quỵt nợ cua ở Cà Mau, hiện ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL đang đề cao cảnh giác. Tới đây khi thương lái người nước ngoài đến làm ăn phải đăng ký với cơ quan chức năng và phải ký hợp đồng, có công chứng… đảm bảo các thủ tục pháp lý. Việc giao dịch miệng là không thể chấp nhận.

Huỳnh Lợi

Tin cùng chuyên mục