Tránh khái niệm mơ hồ trong việc sửa đổi, bổ sung Dự án Luật

Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng nay, 20-2. Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14.
Tránh khái niệm mơ hồ trong việc sửa đổi, bổ sung Dự án Luật

(SGGPO).- Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng nay, 20-2. Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH14.

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình bày tỏ băn khoăn về một số điều khoản cụ thể trong dự thảo sửa đổi Bộ luật. Chánh án Bình đồng tình với việc bổ sung quy định về tội tài trợ khủng bố, rửa tiền trong dự thảo. “Ngân hàng ta mà không có quy định về việc này thì khi xảy ra việc, thế giới sẽ phạt rất nặng”. Đây cũng là quan điểm của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến. Ông Tiến nói thêm: “Ngân hàng Nhà nước thống nhất quan điểm phải quy định các tội này vào pháp luật Việt Nam. Nếu không xử lý thận trọng, chúng ta sẽ gặp bất lợi lớn trong hoạt động kinh tế và đối ngoại”.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình băn khoăn về một số điều khoản cụ thể trong dự thảo sửa đổi Bộ luật

Một quy định khác cũng được nhiều đại biểu dự họp cho ý kiến là việc định giá hàng hóa cấm, vi phạm pháp luật để làm cơ sở định tội. “Định giá hàng cấm làm cơ sở để định tội là rất khó. Như ngà voi, chúng ta không có hàng tham chiếu. Hay thuốc lá, rượu giả, bán ra thì nhiều tiền, nhưng thực chất là không có giá trị. Nếu cứ bắt phải giám định giá trị trong trường hợp này thì rất tắc”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đồng quan điểm: “Hàng cấm chỉ nên quy định về định lượng chứ quy vật chất khó lắm, vì toàn giá ngầm”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, dự thảo bộ Luật không nên quy định quá cụ thể 

Vẫn theo ông Lê Quý Vương, dự thảo bộ Luật không nên quy định quá cụ thể, chi tiết vì có liên quan đến quá nhiều lĩnh vực phức tạp, rất có thể lại trở thành lực cản đối với các cơ quan thi hành pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều điều khoản trong dự thảo có mâu thuẫn với các điều khoản khác trong chính dự thảo này hoặc pháp luật khác. Như việc liệt kê các dấu hiệu chuẩn bị phạm tội cũng tự mâu thuẫn với điều khoản khác ngay trong BLHS. “Gây thương tích 11-13% mới là phạm tội hình sự, trong khi mới tập hợp thông tin (chuẩn bị phạm tội) đã là phạm tội rồi. Hoặc khi đưa vào đây tội xâm phạm chỗ ở mà không được sự đồng ý thì trong quá trình phát hiện ra đối tượng truy nã, phạm pháp quả tang, các lực lượng truy đuổi có nguy cơ bị coi là phạm tội không”, tướng Lê Quý Vương nêu vấn đề. Tương tự, tội “không tố giác tội phạm” của luật sư có mâu thuẫn với nghĩa vụ của luật sư (theo Luật Luật sư) là bảo vệ mọi bí mật của thân chủ.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí lo lắng: “Là một bộ luật lớn, chỉ một lỗi nhỏ trong Bộ luật Hình sự cũng sẽ gây ra sai lầm rất lớn, vì nó chi phối nhận thức, quan điểm về nhiều luật khác. Cho nên cần hết sức tránh các khái niệm mơ hồ, dễ bị áp dụng tùy tiện”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục