Tránh lạm dụng bản sao có chứng thực

(SGGP).- Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tối 13-7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Việc thông báo tuyển sinh, tuyển dụng yêu cầu người dân cấp bản sao giấy tờ đã có chứng thực thì theo quy định của Nghị định số 79 là chưa hoàn toàn đúng. Theo nghị định này, khi thực hiện các thủ tục hành chính, người dân có quyền lựa chọn: hoặc nộp bản sao giấy tờ đã có chứng thực; hoặc mang bản chụp photocopy tài liệu cần sao cùng bản chính đến để người tiếp nhận hồ sơ chịu trách nhiệm tự đối chiếu, tự chứng thực bản sao là sao y bản chính. Hiện hướng dẫn trên chưa được quán triệt, thực hiện tốt nên dẫn đến tình trạng lạm dụng bản sao có chứng thực. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 100 triệu bản sao được thực hiện trên toàn quốc, chỉ tính mỗi bản sao vài ba trang thì đã gây tốn kém biết bao nhiêu tiền của người dân, lãng phí của xã hội.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, trường hợp đã có bản sao chứng thực nộp trong hồ sơ rồi nhưng vẫn yêu cầu đưa bản chính tới để đối chiếu là sai so với quy định của Chính phủ, vì bản sao có chứng thực được xem như bản chính, có giá trị sử dụng như bản chính.

Trả lời phản ánh của người dân về yêu cầu photocopy tại chỗ các loại văn bản cần chứng thực mà không chấp nhận các giấy tờ, văn bản mà người dân đã photocopy mang đến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, nếu người dân đã photocopy bản chính rồi mang đến chứng thực, người tiếp nhận hồ sơ phải tự kiểm tra, đối chiếu với bản chính và có trách nhiệm ký chứng thực bản sao đúng với bản chính. Ông nói thêm: “Không chấp nhận bản photocopy của người dân mang đến mà yêu cầu người dân phải photocopy tại cơ quan mình về nguyên tắc là sai. Tuy nhiên, có những tài liệu rất nhiều trang, nội dung phức tạp nên chỉ cần sai 1 câu chữ nào đó, số liệu nào đó, dữ liệu nào đó cũng có thể dẫn đến trách nhiệm. Trong khi đó, vào mùa thi cử, tuyển sinh như thế này thì rất dễ bị quá tải, cán bộ công chức không đủ thời gian để đối chiếu kỹ nên họ chọn giải pháp không chấp nhận bản photocopy của người dân, mà yêu cầu photocopy tại chỗ.

Liên quan đến việc chứng thực bằng tốt nghiệp đại học mà nội dung có sử dụng tiếng nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận, quy định pháp luật hiện nay về vấn đề này chưa thật sự rõ ràng, cụ thể. Do đó, các UBND cấp xã rất ngại và thường “đẩy” việc này lên cấp huyện. Tuy nhiên, mới đây Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn chung cho các tỉnh nhận diện “bản sao song ngữ” là bản sao bằng hai thứ ngôn ngữ đầy đủ các thông tin ở trong đó.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục