Tránh lạm dụng để tận thu

Sự kiện Sở GTVT TPHCM công bố dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường và vỉa hè trên địa bàn TPHCM đang thu hút sự quan tâm của dư luận. 
Theo dự thảo đề án này, sẽ thực hiện việc thu phí thuê vỉa hè từ 20.000 đến 100.000 đồng/m2/tháng đối với cá nhân hoặc tổ chức sử dụng tạm thời vỉa hè làm bãi giữ xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác. Đồng thời cũng thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đậu xe, mức phí sẽ thu theo thời gian đậu xe. Đây là vấn đề khá nhạy cảm, vì liên quan trực tiếp đến việc tổ chức cuộc sống đô thị và quyền lợi của cư dân. Tại các diễn đàn chính thức hay tại các cuộc mạn đàm, khi phân tích vấn đề này đều có các luồng ý kiến đồng thuận hoặc phản biện, dung hòa hoặc cực đoan. 
Có dư luận hoài nghi cho rằng như vậy thực chất đợt xử lý giải tỏa việc chiếm dụng lòng lề đường trái phép vừa qua không phải để trả lại lề đường cho người đi bộ và lập lại trật tự đô thị, mà chỉ nhằm thu hồi vỉa hè để cho thuê. Thực ra cả hai việc giải tỏa chiếm dụng lòng lề đường trái phép và việc cho thuê vỉa hè đều nhằm tăng cường quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố được hiệu quả hơn. Vấn đề là mục đích và giải pháp thực hiện phải hợp lý, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật, chứ không thể và không nên đi từ cực đoan này sang một cực đoan khác. Nếu kiên quyết giải tỏa trắng vỉa hè, sẽ có bộ mặt đô thị ngăn nắp, nhưng người dân gặp bế tắc trong hoạt động kinh tế vỉa hè ở đô thị. 
Nếu thu phí sử dụng lòng lề đường sẽ giúp tận dụng được một phần lòng lề đường để làm chỗ đậu xe, tạo nguồn thu ngân sách, và bớt cản trở hoạt động kinh tế vỉa hè. Nhưng nếu buông lỏng kiểm soát sẽ xảy ra tình trạng nhóm lợi ích ở các quận lạm dụng để tận thu, khiến lòng lề đường bị bao chiếm trục lợi. 
Trước hết, xét về quy định pháp luật đối với việc sử dụng lòng lề đường. Theo Luật Giao thông đường bộ, Điều 8 nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Điều 36 quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác (tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ) do UBND cấp tỉnh quy định, nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Luật Phí và Lệ phí năm 2015 cũng chỉ có phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, chứ không có loại phí cho thuê sử dụng lâu dài. Như vậy Luật Giao thông đường bộ và Luật Phí và Lệ phí đều chưa cho phép việc sử dụng một phần lòng đường, hè phố để cho thuê thu phí từ tháng này sang tháng khác. 
Khi xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường và vỉa hè trên địa bàn TPHCM, Sở GTVT TPHCM đã giới hạn việc cho thuê này ở mức tạm thời, nhưng trong trường hợp cho thuê để phục vụ mục đích kinh doanh, sẽ là lâu dài chứ không phải một vài tháng là xong. Do vậy, cần xác định rõ “tạm thời” ở mức nào không trái pháp luật và tránh được hệ lụy. TPHCM đã có những bài học đắt giá về việc cho lập chợ tạm rồi mấy chục năm vẫn không sao giải tỏa được. Thực tế trong thời gian qua, TPHCM đã có quy hoạch 345 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, phục vụ kinh doanh và cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí. Trong đó, 160 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng, 112 tuyến đường cho kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa, và 73 tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí. Những trường hợp đó đều là “cho phép sử dụng tạm thời”, nhưng thực tế kéo dài từ năm này sang năm khác. Do vậy, trước khi xét thông qua đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường và vỉa hè trên địa bàn, TPHCM nên kiểm tra, đánh giá lại thực trạng và hiệu quả việc cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng lề đường ở 345 tuyến đường đó. 
Cũng cần lường trước để hạn chế những tác động xấu đối với mục tiêu xây dựng TP văn minh, hiện đại khi nhiều diện tích lòng lề đường sẽ bị chiếm dụng hợp pháp để làm bãi đậu xe, kinh doanh... Không vì việc cho thuê sử dụng một phần lòng lề đường mà khiến người đi bộ không có lối đi thuận tiện, an toàn, và khiến cư dân hai bên đường phải chịu đựng cảnh đậu xe, mua bán nhếch nhác mất trật tự, mất vệ sinh ngay trước nhà mình. Và cũng phải có giải pháp ngăn chặn các nhóm lợi ích thao túng trục lợi thị trường cho thuê mặt bằng màu mỡ này. Muốn vậy, cần phải xây dựng quy chế cụ thể, nêu rõ điều kiện để được cho thuê, quy định chặt chẽ đối với người thuê, cơ chế quản lý sử dụng và kiểm soát tiền cho thuê. Số tiền cho thuê phải quay trở phục vụ cộng đồng chứ không phải để nuôi bộ máy của địa phương hay rơi vào tay các nhóm lợi ích. Muốn tránh lạm dụng để tận thu, cần có quy hoạch rõ tuyến phố nào, thời gian nào được cho thuê sử dụng lòng lề đường, chứ không thể phân cấp cho các quận tự quyết định. Đừng xem đây là giải pháp tìm kiếm nguồn thu, tận thu bằng mọi giá, vì nếu vậy chẳng bao lâu vỉa hè TPHCM sẽ nhếch nhác và không sao chấn chỉnh lại được nữa. 

Tin cùng chuyên mục