Quốc hội chất vấn 2 vị bộ trưởng đầu tiên

Tranh luận “chưa tới cùng”

Tranh luận “chưa tới cùng”

Chiều 14-6, sau khi Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm báo cáo Quốc hội bản tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp, 2 vị bộ trưởng Bộ Công an và Bộ GT-VT đã mở màn phiên trả lời chất vấn của ĐBQH. Tuy nhiên, nhiều vấn đề ĐBQH đặt ra vẫn chưa được “truy tới cùng”.

  • Bộ trưởng Bộ Công an LÊ HỒNG ANH: Có nhiều công lao nên chỉ... xử lý hành chính!

Tranh luận “chưa tới cùng” ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chất vấn Bộ trưởng Lê Hồng Anh. Ảnh: MINH ĐIỀN

Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên. Đại biểu Nguyễn Xuân Hướng (Hà Tĩnh) hỏi: “Vụ PMU 18 là do cơ quan cảnh sát điều tra đã có quá trình điều tra hay chỉ tình cờ phát hiện từ vụ đánh bạc tại Vườn bách thảo Hà Nội? Nếu không bắt được vụ đánh bạc, liệu Bộ Công an có phát hiện được vụ tham nhũng ở PMU 18 không?”. Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã lúng túng khi không trả lời thẳng vào câu hỏi này.

Đại biểu Hướng cho rằng, Bộ trưởng trả lời không đi vào đúng trọng tâm, đồng thời đặt lại câu hỏi: “Trong vụ PMU 18, đã có một số cán bộ của cơ quan cảnh sát điều tra cũng liên quan, vậy đã làm rõ được chưa?”.

Bộ trưởng Lê Hồng Anh cho biết, việc một số cán bộ điều tra có liên quan đến tiêu cực ở PMU 18, trong đó có việc mượn xe PMU 18, Đảng ủy cơ quan công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo kiểm điểm. “Qua kiểm điểm, chúng tôi thấy việc mượn này chỉ để phục vụ yêu cầu của công an quận chứ không phải cho việc riêng. Bởi vậy, chỉ yêu cầu trả lại cho PMU 18 và chưa đến mức phải vi phạm pháp luật để xử lý”.

Là một tiến sĩ luật học, đại biểu Trần Ngọc Đường (Kiên Giang) bày tỏ sự không bằng lòng với cách trả lời trong một văn bản của bộ trưởng về cách xử lý những đối tượng có liên quan trong vụ cảng Thị Vải rằng, “những người nguyên là lãnh đạo Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đều có dấu hiệu phạm tội, nhưng do những người này đã nghỉ hưu, tuổi cao, có nhiều công lao đóng góp cho ngành dầu khí... nên Bộ Công an đã thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xử lý hành chính”.

Trong khi, theo ông Đường, Bộ luật Hình sự không hề quy định tuổi cao, nghỉ hưu, có nhiều đóng góp là những yếu tố không cấu thành tội phạm! Từ đó, ông Đường đặt ra câu hỏi: Với cách xử lý như vậy, liệu có đáp ứng nhiệm vụ chính trị hiện nay? Bộ trưởng Lê Hồng Anh tiếp tục lúng túng và cho rằng, “luật có cái có thể quy định cụ thể, nhưng cũng có cái không thể quy định cụ thể. Mặt khác, ngoài luật còn có... rất nhiều quy định”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cắt lời Bộ trưởng Lê Hồng Anh, nhắc nhở “bộ thì có quyền đề nghị, nhưng cái “quyền” ấy phải theo đúng pháp luật, không phải muốn làm gì cũng được. Không đúng pháp luật sẽ mất lòng tin”. Chủ tịch nhấn mạnh: “Tuổi cao, có nhiều cống hiến chỉ là yếu tố giảm nhẹ chứ không loại trừ”.

Không hài lòng với những gì mà Bộ trưởng Lê Hồng Anh đã trả lời, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nêu lên một chuyện bất công: 3 công nhân ở Bình Dương chỉ vì ăn cắp một món đồ đáng giá 500.000 đồng nhưng bị tuyên án tới 10 tháng tù giam, trong đó có đề nghị của cơ quan công an. Trong khi những đối tượng gây hậu quả tày đình trong vụ dầu khí kho cảng Thị Vải thì lại được Bộ Công an “đề nghị” chỉ xử lý hành chính. Ông Cuông nêu lên câu hỏi: “Vậy có phải người dân ở dưới thì bị xử nặng, còn cán bộ có chức quyền thì chỉ bị xử lý nhẹ không?”. Đến đây thì Bộ trưởng Lê Hồng Anh hứa sẽ trả lời… bằng văn bản!

  • Bộ trưởng Bộ GT-VT ĐÀO ĐÌNH BÌNH: Tại... cơ chế!

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN VĂN AN: Chưa thỏa mãn, đại biểu có thể đề nghị “mổ xẻ” tiếp
Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục ủng hộ chủ trương đổi mới theo hướng chất vấn và trả lời chất vấn ngắn gọn. Chủ tọa sẽ nêu những chủ đề cần chất vấn để các đại biểu đặt câu hỏi. Khi những chất vấn và trả lời đã đầy đủ thì chủ tọa sẽ cho chuyển sang chủ đề khác. Mỗi lần chất vấn chỉ khoảng 1-2 vấn đề, dài 1-2 phút. Đại biểu phải lựa chọn kỹ câu chất vấn có chất lượng để hỏi. Đồng thời, người trả lời cũng phải trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Nếu đại biểu chưa hài lòng với câu trả lời thì có thể chất vấn tiếp. Nếu vẫn chưa thấy đáp ứng yêu cầu sau nhiều lần trả lời chất vấn thì đại biểu có thể đề nghị cho thảo luận tại kỳ họp này hoặc kỳ họp sau. Chủ tọa sẽ xin ý kiến Quốc hội để quyết định.

Trước câu hỏi mang tính gợi ý của đại biểu Trần Luân Kim (Phú Yên) về trách nhiệm đối với hàng loạt tiêu cực trong ngành GT-VT, Bộ trưởng Đào Đình Bình đưa ra câu trả lời như đã được chuẩn bị rất kỹ: “Tôi xin được nói từ đáy lòng: tôi rất đau xót về tiêu cực xảy ra ở PMU 18. Đây là một thiếu sót, khuyết điểm lớn, tôi xin nhận trách nhiệm, và cho tôi gửi lời xin lỗi tới cử tri cả nước”.

Theo bộ trưởng, để xảy ra vụ “Bùi Tiến Dũng đánh bạc, tham nhũng, tiêu cực”, rồi “một vị thứ trưởng bị cơ quan điều tra bắt giam”, rõ ràng bộ máy hoạt động của Bộ GT-VT “chưa tốt”, và người đứng đầu ngành phải chịu trách nhiệm về tình trạng này.

Đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Quảng Ngãi) nêu câu hỏi: “Cơ chế cho PMU18 là quá ưu ái. Tại sao Bộ GT-VT là cơ quan tham mưu của Chính phủ lại để kéo dài tình trạng này?”.

Bộ trưởng Đào Đình Bình viện dẫn một số văn bản để cho rằng: Theo Nghị định 52, Bộ KH-ĐT sẽ xây dựng điều lệ mẫu về tổ chức, cơ chế hoạt động cho các PMU, nhưng đến nay chưa hoàn thành. “Những quy định cơ bản cho PMU hoạt động thì đã có. Trong quá trình làm, Bùi Tiến Dũng đã cố tình vi phạm những quy định đó. Vì thế, đây là trách nhiệm của Bùi Tiến Dũng, không phải do thiếu cơ chế” - ông Bình nói.

Tuy nhiên, khi trả lời đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) về việc “giao thẩm quyền quá rộng cho các PMU, cùng với cơ chế “khép kín” là kẽ hở chết người cho tham nhũng”, Bộ trưởng Đào Đình Bình cho hay đã nhiều lần đề nghị thay đổi cơ chế, không chỉ về quản lý PMU mà là quản lý xây dựng nói chung. Bộ GT-VT được giao quản lý mấy trăm dự án một năm, bộ trưởng lấy đâu ra “tai mắt” để giám sát (?).

Ông Bình đề nghị phải phân định rõ: Căn cứ Nghị định 16 của Chính phủ, bộ chỉ chịu trách nhiệm quyết định đầu tư; chủ đầu tư là các cục quản lý chuyên ngành; các PMU chỉ “làm thuê” cho chủ đầu tư. “Sai sót trong quyết định đầu tư thì Bộ trưởng chịu trách nhiệm, còn sai sót trong quá trình thực hiện thì chủ đầu tư và các PMU phải chịu trách nhiệm. Phải làm rõ trách nhiệm và quyền hạn như vậy. Còn nếu với cơ chế hiện nay, Bộ GT-VT quản lý 500 doanh nghiệp, bất cứ sai sót nào bộ trưởng cũng phải chịu trách nhiệm. Xin nói thật: tôi từ chức rồi, nhưng các đồng chí sau tôi chắc không phải dễ mà vượt qua được” - ông Bình nói.

Đại biểu NGUYỄN LÂN DŨNG (Đắc Nông): Phải nói và làm kiên quyết

Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh về tình trạng CSGT mãi lộ một cách phổ biến hiện nay, tài xế nào cũng kêu ca, nhưng bộ trưởng đã không trả lời thỏa đáng. Bộ trưởng trả lời rằng đã xử lý trên 300 CSGT vi phạm mãi lộ trong 6 tháng đầu năm 2006, tước danh hiệu 40 người. Nhưng nói như vậy thì dễ, dân cũng không thể giám sát được. Đặc biệt, bộ trưởng đã không nói rõ rằng CSGT vi phạm với mức độ như thế nào thì sẽ bị đuổi khỏi ngành? Trong khi nguyên Bộ trưởng Bộ Công an Bùi Thiện Ngộ rất mạnh tay khi quy định CSGT chỉ vi phạm đến 5.000 đồng cũng đã bị đuổi khỏi ngành. Tôi cần Bộ trưởng Lê Hồng Anh phải nói và làm kiên quyết, rõ ràng hơn, chứ không thể nói đã lưu ý tệ nạn này và sẽ cố gắng xử lý.

Đại biểu NGUYỄN MINH THUYẾT (Lạng Sơn): Không thuyết phục!
Cách trả lời của bộ trưởng rất chân thực, nhưng chưa có sức thuyết phục vì căn cứ pháp lý không chắc chắn. Điều tôi băn khoăn nhất là làm sao để thực hiện nghiêm túc pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Ngành công an cần chủ động tấn công tội phạm chứ không thể chờ đợi những kiến nghị, đơn thư từ các phía.

BẢO - PHÚC - MY

Tin cùng chuyên mục