Tránh nguy cơ cháy nổ từ pin sạc dự phòng

Mới đây, một cháu bé 7 tuổi ở Nghệ An bị giập nát bàn tay, phải nhập viện cấp cứu do lấy điện thoại của bố mẹ đang sạc pin để chơi thì điện thoại bất ngờ phát nổ. Câu chuyện thương tâm trên lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ cháy nổ từ các loại pin sạc dự phòng điện thoại mà rất nhiều gia đình đang sở hữu một cách thông dụng hiện nay.

Câu chuyện buồn nói trên diễn ra với cháu Trương Xuân H. (7 tuổi, ngụ xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Theo người nhà cháu H. cho biết, sáng cùng ngày, bố mẹ đi làm, cháu H. ở nhà một mình và lấy điện thoại (chưa rõ của hãng nào) của bố mẹ đang sạc pin để chơi thì bất ngờ điện thoại phát nổ. Hàng xóm nghe tiếng nổ lớn phát ra liền chạy sang thì phát hiện cháu H. ngất xỉu, bị thương nặng ở 2 bàn tay, chiếc điện thoại bị vỡ nhiều mảnh, liền gọi người nhà đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu. Qua chụp X-quang, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An xác định bàn tay trái của bệnh nhi H. bị giập nát, phải cắt bỏ 3 ngón tay và một phần bàn tay phải bị chấn thương nặng. Vụ nổ này còn khiến cháu H. bị tổn thương mắt, suy giảm thị lực.

Tại TPHCM, hồi đầu tháng 4-2018, vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi nhiều tài sản bên trong căn hộ thuộc tầng 8 và khiến toàn bộ người sinh sống tại chung cư ParcSpring (số 537 đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2) hoảng sợ tháo chạy khỏi tòa nhà. Theo nhận định ban đầu của lực lượng chức năng, nguyên nhân gây ra vụ cháy do chủ nhà đi vắng, bỏ quên cục sạc điện thoại cắm điện 3 - 4 ngày nên sinh nhiệt, phát cháy, ngọn lửa nhanh chóng lan sang đống sách bên cạnh và nhiều vật dụng khác. 

Thời gian qua, các phương tiện báo đài cũng đã thông tin rất nhiều về việc cảnh báo nguy cơ cháy nổ từ điện thoại thông minh và những thiết bị sạc pin dự phòng... Song nhiều người vẫn chưa thật sự để tâm đến sự an toàn của chính mình, đặc biệt không ít người vẫn còn duy trì thói quen vừa sạc vừa sử dụng điện thoại. 

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nay các cơ sở kinh doanh phụ kiện điện thoại nói chung và thiết bị sạc pin dự phòng nói riêng mọc lên ngày càng nhiều. Không chỉ có tại các cửa hàng uy tín, hiện nay sạc pin dự phòng điện thoại di động còn được bày bán trôi nổi khắp nơi. Theo đó, từ chủng loại, giá cả cho đến chất lượng và nguồn gốc xuất xứ... đều hết sức phong phú, đa dạng.

Theo ông Võ Minh Tạo, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Hai thành viên Năng lượng Bảo Sơn (chuyên sản xuất kinh doanh pin và ắc-quy), kết cấu của thiết bị sạc pin dự phòng điện thoại di động bao gồm các cell pin đơn thể, tùy theo dung lượng mà nhà sản xuất sẽ kết nối từ 2, 3 cho đến nhiều cell pin đơn thể lại với nhau. Đối với các dụng cụ sạc pin dự phòng điện thoại chính hãng, chất lượng cao thì nhà sản xuất sẽ sử dụng máy hàn điểm để bấm thanh niken kết nối các cell pin. Còn trường hợp các thiết bị sạc dự phòng kém chất lượng, người ta sẽ hàn dây dẫn bằng chì để kết nối, khiến chất lượng bên trong các cell pin bị ảnh hưởng. Thêm nữa, bên trong những cục sạc pin dự phòng chất lượng tốt sẽ có một bảng vi mạch quản lý với thiết bị cảm biến nhiệt độ. Trong quá trình sử dụng, nếu nhiệt độ các cell pin tăng lên tầm 550C - 600C thì bảng vi mạch sẽ ngắt nguồn năng lượng mà cục sạc pin dự phòng cung cấp cho điện thoại; đồng thời, ngắt luôn nguồn điện bên ngoài đang cung cấp cho thiết bị sạc pin dự phòng để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, phòng chống cháy nổ. 

Để phòng tránh hiểm họa cháy nổ từ thiết bị sạc pin dự phòng điện thoại di động nhằm bảo vệ tài sản, sức khỏe thậm chí là tính mạng của chính mình, người tiêu dùng nên lựa chọn những thiết bị, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các thương hiệu uy tín. Các thiết bị này tuy giá thành có thể cao một chút nhưng đảm bảo về chất lượng, nhất là sự an toàn khi sử dụng.

Để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, Cảnh sát PCCC cũng đã liên tục khuyến cáo người dân cần thay đổi thói quen vừa sạc vừa sử dụng điện thoại. Trong lúc sạc pin điện thoại cần để tránh xa các vật dụng dễ cháy. Sau khi điện thoại đã đầy pin, phải rút ngay bộ thiết bị sạc ra khỏi nguồn điện.

Tin cùng chuyên mục