Tránh “vết xe đổ” dịch sởi

Cả nước đang phải gánh chịu giai đoạn thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt cùng với độ ẩm cao là điều kiện môi trường thuận lợi cho nhiều virus, vi khuẩn nguy hại, gây bệnh sinh sôi, phát triển mạnh mẽ và đây cũng là thời điểm nhiều dịch bệnh trên người vào giai đoạn... cao điểm. Các dịch bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, viêm não… đang ghi nhận rất nhiều người mắc và tử vong mà đa số là trẻ nhỏ. Trong số này, dịch sốt xuất huyết có tới 11.520 trường hợp mắc tại 42 tỉnh, thành phố với 7 trường hợp tử vong đều ở phía Nam. Nghiêm trọng hơn, dịch tay chân miệng cũng ghi nhận trên 33.100 trường hợp mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cũng nằm trong số các dịch bệnh nguy hiểm thường bùng phát vào mùa hè là dịch viêm não do virus đang có những diễn biến khá bất thường và đáng lo ngại, dù số người mắc thấp hơn so với sốt xuất huyết và tay chân miệng. Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 325 trường hợp mắc viêm não tại 31 tỉnh, thành phố nhưng đã có 4 trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, vấn đề rất đáng lưu tâm khi trong 6 tháng 2014, số người mắc viêm não do virus ở nước ta thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ viêm não Nhật Bản lại có chiều hướng tăng rất cao. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở Hà Nội và trẻ em từ 1 - 5 tuổi. Chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã phải tiếp nhận điều trị cho trên 135 trẻ bị viêm não, trong đó có 36 trường hợp bị viêm não Nhật Bản với 6 ca nặng phải thở máy.

Nếu như cùng vào thời điểm này năm 2013, số trẻ mắc viêm não Nhật Bản chỉ chiếm 8% trong số ca viêm não, thì hiện nay tỷ lệ này lên tới 30% và tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, viêm não do virus nói chung và viêm não Nhật Bản nói riêng là dịch bệnh rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ, bởi căn bệnh này có tỷ lệ tử vong rất cao, kể cả khi trẻ được chữa khỏi thì những di chứng về tâm thần và vận động cũng rất nặng nề.

Dịch bệnh trên người diễn ra phức tạp với số người mắc tăng cao, trong đó có nhiều dịch bệnh như: sởi, thủy đậu, viêm não… lâu nay đã có vaccine phòng ngừa được đưa vào Chương trình tiêm chủng quốc gia để tiêm chủng rộng rãi nhưng thực tế số trẻ mắc các dịch bệnh nguy hiểm trên vẫn ở mức cao, khiến các gia đình có trẻ nhỏ và xã hội rất quan tâm và lo lắng. Trước mối đe dọa từ các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch viêm não, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm hạn chế số người mắc và tử vong, cũng như tránh bị động như dịch sởi.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có chuyến thị sát bất ngờ lúc gần 23 giờ đêm, kiểm tra công tác ứng phó và điều trị bệnh viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua chuyến kiểm tra này cho thấy, mặc dù Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động tăng cường y, bác sĩ và trang thiết bị y tế để kiểm soát dịch bệnh, nhưng lãnh đạo Bộ Y tế vẫn yêu cầu bệnh viện sớm triển khai phân luồng bệnh nhân để hạn chế lây nhiễm chéo và ứng phó trong tình huống dịch bệnh tăng cao, cũng như rút kinh nghiệm từ dịch sởi vừa qua.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Y tế dự phòng rà soát công tác tiêm chủng vaccine viêm não Nhật Bản để có điều chỉnh nếu cần thiết và thống kê tình hình bệnh nhân mắc dịch bệnh nguy hiểm này trên cả nước để đưa ra cách xử lý kịp thời. Đặc biệt với những địa phương có nguy cơ cao thì phải tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vaccine, nếu không tiêm chủng hậu quả sẽ khó lường.

Dịch viêm não cũng như các dịch bệnh nguy hiểm khác đang trực tiếp ảnh hưởng, đe dọa tới sức khỏe người dân, nhất là trẻ nhỏ và gây ra những tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Dịch bệnh nguy hiểm sẽ không loại trừ bất cứ ai, nếu chúng ta chủ quan và coi thường. Trước mối đe dọa của dịch bệnh, đòi hỏi không chỉ bản thân ngành y tế mà cả cộng đồng xã hội phải thật sự chủ động và kiên quyết thực hiện các biện pháp phòng chống.

Để “chia lửa” với ngành y tế và các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống dịch bệnh, mỗi người dân cần nêu cao trách nhiệm, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân mình và cộng đồng qua việc tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế như: thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ gìn nhà ở và môi trường sống sạch sẽ…

Đặc biệt, các gia đình có trẻ nhỏ phải cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng quốc gia vì hiện nay việc tiêm vaccine vẫn là biện pháp ngừa dịch bệnh hiệu quả, an toàn và kinh tế nhất. Về phía các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đòi hỏi cũng phải quyết liệt hơn trong việc xử lý những cá nhân, tổ chức coi thường sức khỏe, tính mạng cộng đồng, vi phạm các quy định pháp luật về phòng chống dịch bệnh.

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục