Tránh vết xe đổ

Trong một nỗ lực nhằm khôi phục lòng tin của giới đầu tư, mới đây Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cổ phần nắm giữ trong 4 ngân hàng thương mại lớn nhất nước này (Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Bank of China, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc).

Theo THX, động thái này nhằm “hỗ trợ hoạt động lành mạnh và sự phát triển của các định chế tài chính quốc doanh then chốt, đồng thời bình ổn giá cổ phiếu của các ngân hàng thương mại quốc doanh”. Còn theo Financial Times, bước đi này nhằm ngăn chặn giá các cổ phiếu tài chính – ngân hàng sụt giảm mạnh thời gian qua sau khi giới đầu tư quốc tế ồ ạt rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc.

 Sự quay lưng của các nhà đầu tư làm khuấy động làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng. Trong mấy tháng gần đây, giá cổ phiếu nhóm ngân hàng của Trung Quốc đã giảm 30% do nhà đầu tư lo ngại mức nợ xấu cao sẽ gia tăng sau thời kỳ cấp vốn tín dụng ồ ạt bắt đầu từ năm 2008, hiện tượng hạ nhiệt của thị trường bất động sản sẽ có thể trở thành một vụ nổ bong bóng bất động sản tiếp theo…

Việc Chính phủ Trung Quốc buộc phải tăng cổ phần trong hầu hết các ngân hàng quan trọng của nước này được xem là cần thiết trong bối cảnh những lo lắng về sức khỏe của hệ thống ngân hàng Trung Quốc ngày càng gia tăng với những khoản nợ xấu của các ngân hàng. Khi các ngân hàng thương mại Trung Quốc ngày càng phát triển về quy mô, vượt cả Ngân hàng Thế giới về khả năng cho vay, thì nợ xấu của các ngân hàng này cũng ngày một phình to.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, các địa phương đã thành lập khoảng 10.000 công ty tài chính hoạt động như nhà cho vay và các chuyên gia gọi đó là hệ thống ngân hàng ngầm, hoạt động giao dịch của họ lên đến 2.200 tỷ USD, chiếm đến 30% tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng nước này. Hầu hết các khoản vay chỉ dựa vào 2 nguồn để trả là tiền bán đất và tiền do các cơ sở hạ tầng như cảng, đường sá có thu phí tạo ra. Trong khi đó, thị trường địa ốc Trung Quốc đang ảm đạm và khả năng sinh lợi của các công trình hạ tầng cũng không khá khi chỉ có 1/3 số dự án làm ra tiền đủ để trả nợ mà thôi.

Giới ngân hàng Trung Quốc vẫn trấn an dư luận rằng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát nhưng nguy cơ vỡ nợ có thể tồi tệ hơn thế. Thế nhưng trong 6 tháng đầu năm 2011, các khoản cho vay chủ yếu của các ngân hàng nhà nước không phải cho các doanh nghiệp sản xuất mà tập trung cho các quỹ tín dụng ủy thác và các ngân hàng ngầm chuyên cho vay bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh các công ty tài chính, các doanh nghiệp quốc doanh cũng đã trở thành con nợ của các ngân hàng Trung Quốc. Năm 2008, chính phủ tung tiền ra nhằm kích thích kinh tế, chủ yếu dành cho công ty quốc doanh vay mở rộng đầu tư. Nhưng khi cho vay, các ngân hàng đã không kỹ lưỡng trong việc thẩm định người vay; nhiều doanh nghiệp làm ăn yếu kém cũng được vay và đã sử dụng tiền vay không hiệu quả.

Khi các quốc gia chủ chốt của liên minh châu Âu quyết định sẽ bơm tiền hỗ trợ hệ thống ngân hàng, thì tại Trung Quốc, chính phủ nước này cũng phải làm điều tương tự để tránh vết xe đổ của Mỹ và châu Âu. Đó là lý do tại sao Trung Quốc dù nói ủng hộ nhưng không thể hỗ trợ “giải cứu” châu Âu vào lúc này.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục