Trao giải thưởng Kovalevskaia 2020 cho 1 tập thể, 1 cá nhân nhà khoa học nữ

Sáng 5-3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 cho tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại lễ trao giải thưởng Kovalevscaia
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại lễ trao giải thưởng Kovalevscaia

Ở hạng mục giải Tập thể, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 được trao cho Tập thể nữ Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với nhiệm vụ chính là nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học có nguồn gốc thiên nhiên và ứng dụng triển khai vào thực thế đời sống.

Các nhà khoa học nữ Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên đã có nhiều nghiên cứu đã tạo ra các sản phẩm có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn, được lưu hành rộng rãi trên thị trường phục vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Trong lĩnh vực xử lý môi trường, có rất nhiều các đề tài, dự án về xử lý môi trường do các nhóm nghiên cứu PGS.TS. Ngô Kim Chi, PGS.TS. Lê Thị Phương Quỳnh thực hiện đã áp dụng ở rất nhiều địa bàn trên cả nước. Điển hình là công trình nghiên cứu mức độ và các mô hình và biện pháp hạn chế phát thải khí nhà kính trong sản xuất cà phê tại tỉnh Đắk Lắk.

Đây là mô hình tăng carbon đất, chế biến phân hữu cơ, mô hình tiết kiệm nước, trữ nước bổ cập nguồn nước ngầm, mô hình chế biến thân thiện môi trường; mô hình tái chế quy mô hộ gia đình tại Cư M’gar, Krông Năng, Krông Buk - tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, một công trình đáng chú ý nữa là tải lượng cacbon và phát thải khí chứa cacbon từ hệ thống sông Hồng (Việt Nam và Trung Quốc), đánh giá nguy cơ gây phì dưỡng môi trường nước lưu vực sông Hồng: Tác động của con người và biến đổi khí hậu.

Ở hạng mục Cá nhân, giải thưởng Kovalevskaia năm nay được trao cho PGS.TS.NGƯT Trương Thanh Hương, Giảng viên cao cấp Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội (Bộ Y tế).

PGS.TS.NGƯT Trương Thanh Hương đã có những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, trong đó nổi bật là nghiên cứu “Xây dựng bản đồ đột biến gen bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam”. Hiện công trình này này đã được Bộ KH-CN xác nhận và đề nghị chuyển giao tới các cơ sở y tế để áp dụng cho việc chăm sóc sức khỏe cho gần 500.000 người dân Việt Nam mắc bệnh tăng cholesterol máu gia đình.

Tin cùng chuyên mục