Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán đã được Quốc hội (QH) cho ý kiến tại phiên họp toàn thể sáng 10-11. Dự luật trình QH đã sửa đổi, bổ sung 20 điều; bãi bỏ 1 điều của Luật Chứng khoán hiện hành và dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp này.
- Nâng cao tính độc lập của ủy ban
Đại biểu (ĐB) Cao Sĩ Kiêm tán thành quan điểm của Ban soạn thảo về giao thêm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành điều tra, xử lý các hành vi vi phạm; đồng thời giao Chính phủ quy định về các hành vi vi phạm và chế tài. Về điều kiện thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ĐB Cao Sĩ Kiêm cho rằng do chưa có tổng kết, đánh giá và thời gian trải nghiệm chưa dài, nên chưa đưa ngay vào luật. Nhiều ĐB khác chia sẻ với ĐB Cao Sỹ Kiêm về địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng về lâu dài phải nâng cao hơn nữa tính độc lập của ủy ban.
Nhất trí với các nguyên tắc minh bạch, công bằng và đảm bảo phát triển bền vững của thị trường chứng khoán, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nhận định, trên thực tế tình trạng “nội gián” vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Hành vi này, cùng với các hình thức vi phạm khác, có khi rất tinh vi, cần được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh. Do đó, ĐB Trần Du Lịch ủng hộ trao thêm quyền điều tra, chứng minh các hành vi gian dối cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước.
Phân tích mối liên hệ giữa các thị trường quan trọng của nền kinh tế, ĐB Trần Du Lịch còn kiến nghị đưa vào luật này định nghĩa về quỹ đầu tư bất động sản, nhất là đầu tư tín thác; từ đó tạo cầu nối liên thông giữa các thị trường, phát huy tối đa hiệu quả của dòng vốn.
Báo cáo giải trình thêm với QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, hiện nay trong luật cũng đã trao cho Ủy ban Chứng khoán khá nhiều quyền và UB có thể hoạt động tương đối độc lập trong quản lý thị trường chứng khoán. Chỉ còn một điểm mà Ban soạn thảo phân vân, đó là việc trao cho Ủy ban Chứng khoán một số quyền để thẩm định các nghiệp vụ, khi phát hiện dấu hiệu lũng đoạn chứng khoán hoặc gian lận hoặc nội gián, nên chưa đưa vào dự thảo luật. “Nếu được các ĐBQH đồng ý cho đưa vào thì rất tốt”, ông Ninh nói.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, thực tế cho thấy, việc phát hiện gian lận hiện nay thực sự khó khăn. Mặc dù Ủy ban Chứng khoán có ký liên kết với cơ quan cảnh sát điều tra để phối hợp điều tra nhưng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được một cách kịp thời. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, việc trao cho Ủy ban Chứng khoán quyền được xác định chứng minh chứng cứ gian dối, thao túng thị trường chứng khoán có liên quan đến một “lĩnh vực nhạy cảm”, đó là quyền bảo mật về thư tín và quyền bảo mật về tiền gửi của dân cư cũng như các tổ chức khác. Do đó, “mở” đến mức nào cần thận trọng.
- Kiểm toán độc lập: Tăng cường tính minh bạch
Trình QH về dự án Luật Kiểm toán độc lập, Chính phủ cho rằng, một trong những nguyên nhân cần thiết ban hành luật này là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với dịch vụ kiểm toán, trong đó có doanh nghiệp có liên quan đến lợi ích công chúng bắt buộc phải kiểm toán. Đồng thời, việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập sẽ xác lập vị trí pháp lý tương đồng với quốc tế nhằm thúc đẩy hội nhập trong lĩnh vực này.
Luật quy định 2 loại đối tượng phải kiểm toán bắt buộc gồm: Các doanh nghiệp, tổ chức mà pháp luật hiện hành đã quy định phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm; các đối tượng khác được bổ sung là báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước và báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của dự án sử dụng vốn nhà nước, trong đó có báo cáo quyết toán dự án hoàn thành nhóm A. Đồng thời dự thảo luật cũng quy định mở theo hướng giao cho Chính phủ quy định các đối tượng có vốn góp của nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước khác.
Thẩm tra luật này, Ủy ban Kinh tế khẳng định, kiểm toán độc lập là một dịch vụ không thể thiếu. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu, đã có nhiều bài học, nhất là từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua cho thấy rõ vai trò và lợi ích mà kiểm toán độc lập có thể mang lại cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế chính là tăng cường tính minh bạch, hạn chế những rủi ro đạo đức do không tuân thủ chuẩn mực kế toán, che giấu thông tin, gây nên những tổn thất lớn cho các nhà đầu tư và xã hội
PHAN THẢO - ANH THƯ