Hôm qua 15-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Viên chức, Luật Thuế bảo vệ môi trường và Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2011 với đại đa số tán thành.
- Tăng tính độc lập cho cơ quan thanh tra
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Luật Thanh tra do Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát, chỉnh lý các quy định trong dự thảo luật nhằm xác định tính độc lập tương đối của cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Cụ thể, luật nêu rõ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra có quyền chủ động tiến hành thanh tra theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải chỉ tiến hành thanh tra theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Bên cạnh đó, thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu các chủ thể này không đồng ý thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định việc tiến hành thanh tra đối với vụ việc đó. Thủ trưởng cơ quan thanh tra cũng có quyền thanh tra lại đối với các vụ việc thanh tra đã được thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp kết luận khi được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao, tự mình quyết định việc thanh tra lại đối với vụ việc thanh tra đã được chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp kết luận khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; khẳng định giá trị và cơ chế thực hiện kết luận thanh tra...
Cùng với việc trao thêm thực quyền cho cơ quan thanh tra, nhiều điều khoản của dự thảo luật cũng được chỉnh lý nhằm xác định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể tiến hành thanh tra khi không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra, cố tình không phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra, dẫn đến chỉ khi các cơ quan điều tra, kiểm tra vào cuộc thì mới phát hiện ra được sai phạm.
- Sẽ trả lương viên chức theo vị trí công việc
Luật Viên chức vừa được QH thông qua quy định về viên chức; quyền, nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2012. Đáng lưu ý, dự thảo luật đã quy định vị trí việc làm là một căn cứ quan trọng để thực hiện chế độ tiền lương (hiện nay trả lương viên chức được tính theo ngạch bậc nên mang tính “cào bằng”, chưa khuyến khích viên chức phấn đấu, không có chế độ đãi ngộ xứng đáng với người có tài năng).
Tuy nhiên, việc trả lương theo vị trí việc làm là một bước cải cách quan trọng. Để thực hiện được chủ trương này cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai đồng bộ theo lộ trình nhất định. Trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng nguồn nhân lực công, cải cách chính sách tiền lương tới đây, Chính phủ cần nghiên cứu, xác định bước đi thích hợp, để chuyển dần sang thực hiện trả lương cho viên chức tương xứng với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý và kết quả công việc.
- Túi ni lông chịu thuế 30.000 - 50.000 đồng/kg
Tới đây, khi Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (từ 1-1-2012), túi ni lông thuộc diện chịu thuế sẽ được áp mức thuế suất 30.000 – 50.000 đồng/kg. Xăng dầu sẽ phải chịu thuế bảo vệ môi trường thay cho phí như hiện nay. Đối với xăng dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, giá tính thuế lấy tại thời điểm đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra. Xăng Etanol đã được loại trừ khỏi đối tượng chịu thuế, trong khi xăng dầu bán cho phương tiện vận tải trên các tuyến đường quốc tế sẽ được hoàn thuế.
Theo luật, các nhóm đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường bao gồm: xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi ni lông thuộc diện chịu thuế; thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì UBTVQH xem xét, quy định.
- Giải quyết khiếu nại đông người phải xuất phát từ thực tiễn
Chiều 15-11, thảo luận về Luật Khiếu nại, vấn đề khiếu nại đông người được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Đại biểu Lê Dũng (Tiền Giang) cho rằng khiếu nại đông người hiện nay là một thực tế phổ biến cần giải quyết. Vì thế, việc thiết kế những điều khoản quy định về khiếu nại đông người là giải pháp tích cực trong việc hạn chế tình trạng này.
Tán thành quan điểm trên, đại biểu Phùng Văn Toàn (Phú Thọ), Lê Thị Dung (An Giang) cho rằng, đối với việc giải quyết khiếu nại đông người, phải xuất phát từ thực tiễn mới của cuộc sống mới có thể xử lý hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, TS Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), đại biểu Dương Thị Thu Hà (Lào Cai) cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại đông người là tình trạng chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan đơn vị không thực hiện nghiêm việc tiếp công dân theo đúng quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Nhiều vụ việc dân khiếu nại bức xúc chỉ muốn được gặp trực tiếp người đứng đầu để được đối thoại, trong khi không ít thủ trưởng các cơ quan, tổ chức lại ủy quyền cho cấp dưới tiếp dân, người dân càng thêm bức xúc.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề nghị, cần nghiên cứu kỹ, công phu, có tổng kết về thực trạng khiếu nại đông người. Theo ông Vượng, thực tế cho thấy, đa phần khiếu nại đông người đang diễn ra hiện nay là khiếu nại về việc không đồng tình một số chính sách của Nhà nước như áp giá trong việc đền bù đất đai khi thu hồi đất của nhân dân, còn lại những khiếu nại về các quyết định hành chính không nhiều.
Đề cập đến trình tự tiếp nhận đơn thư khiếu nại đông người, các đại biểu Ngô Minh Hồng (TPHCM), Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) không tán thành dự thảo luật quy định “Trong trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung, người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn từng người viết đơn riêng để được giải quyết” (khoản 5, Điều 10). Bởi theo các đại biểu, tính chất sự việc khiếu nại có cùng một nội dung, không nên buộc người dân phải làm riêng từng đơn mới được giải quyết, cần cho phép người dân khiếu nại đông người ủy quyền cho người đại diện việc khiếu nại.
Kết luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đa số đại biểu đều cho rằng, khiếu nại đông người là vấn đề thực tế, do đó cần có phương án giải quyết bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân cũng như hạn chế việc lợi dụng gây rối, kích động.
| |
ANH THƯ - PHAN THẢO